(VnMedia) - Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước chứa khoảng 500 hoạt chất với đầy đủ 17 nhóm tác dụng dược lý, trong đó có cả các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép...
Thông tin trên được TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Dược với mục tiêu vì người bệnh” diễn ra ngày 9/10 tại Hà Nội.
Ảnh min họa |
TS. Trương Quốc Cường cho biết, sau 10 năm triển khai Luật Dược, hơn 100 văn bản qui phạm phát luật về dược được ban hành đáp ứng kịp thời công tác quản lý và điều hành về dược. Thuốc sản xuất tại Việt Nam ngày càng đa dạng về dạng bào chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị của người dân.
Nếu như năm 2005, thuốc sản xuất trong nước có hơn 300 hoạt chất. Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước chứa khoảng 500 hoạt chất với đầy đủ 17 nhóm tác dụng dược lý, trong đó có cả các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép... Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực có nền công nghiệp vắc xin. Vắc xin do Việt Nam sản xuất đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng 12 bệnh.
Qua 10 năm thực hiện Luật Dược, thực tế đã chứng minh việc quản lý giá thuốc của cơ quan liên ngành là có hiệu quả; thuốc được cung ứng đầy đủ với chất lượng gắn với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân. 10 năm qua, chính sách Nhà nước về lĩnh vực dược đã tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước phát triển; đồng thời có chính sách cải thiện môi trường đầu tư như cải cách thủ tục hành chính, thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, quy định và công khai trình tự, thủ tục, giải quyết thủ tục hành chính.
TS Trương Quốc Cường cho biết thêm, từ chỗ chỉ có có khoảng 50 cơ sở đạt GMP ASEAN, đến nay, số lượng cơ sở sản xuất thuốc đạt WHO-GMP là 142 cơ sở (với 154 nhà máy), trong đó có một số cơ sở đạt EU-GMP, GMP-PIC/s. Thuốc sản xuất tại Việt Nam ngày càng đa dạng về dạng bào chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị của người dân.
Thực tế các số liệu khảo sát cho thấy, giá thuốc ở Việt Nam ở mức phù hợp so với thế giới và thấp hơn so với các nước trong khu vực. Số liệu khảo sát của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) cho thấy giá thuốc generic tại các cơ sở y tế công lập của Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung quốc tế và ở trong giới hạn được cho là mức giá phù hợp (từ 1-1,5 lần).
Kết quả khảo sát giá thuốc tại Trung Quốc và Thái Lan cho thấy, giá thuốc trúng thầu tại Thái Lan cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 3,17 lần; giá thuốc thanh toán cho bệnh nhân tại Trung Quốc cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 2,25 lần.
Minh Hải
Ý kiến bạn đọc