(VnMedia) - Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên tại Hội thảo phát động và triển khai tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc.
Hiện nay, việc lạm dụng kháng sinh khá phổ biến, đặc biệt là sử dụng thuốc kháng sinh một cách tùy tiện để lại không ít những hậu quả xấu cho người bệnh và cộng đồng. Tình trạng kháng kháng sinh của Việt Nam đang ở mức báo động với số lượng vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng.
Ảnh minh họa |
Báo động tình trạng lạm dụng kháng sinh
Theo khảo sát của Bộ Y tế, ý thức của người dân trong việc sử dụng kháng sinh còn rất kém, nhất là người dân ở vùng nông thôn.
Hiện nay tại nông thôn có đến 91% kháng sinh được bán ra không có đơn thuốc; con số này ở thành thị là 88%. Ở khu vực thành thị, người dân yêu cầu bán kháng sinh không cần đơn thuốc lên đến gần 50%, trong khi đó ở nông thôn là 28,3%.
Cũng theo khát sát của Bộ y tế tại 2083 nhà thuốc ở thành thị, chỉ có 499 nhà thuốc (chiếm 24%) có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Trong khi đó tại nông thôn, qua khảo sát 870 nhà thuốc cũng chỉ có được 257 nhà thuốc (chiếm 29,5%) có bán đơn thuốc kê kháng sinh.
Điều đáng nói, lượng kháng sinh bán tại các nhà thuốc chiếm một số lượng lớn doanh thu. Đối với các nhà thuốc ở vùng nông thôn, lượng kháng sinh bán ra chiếm đến 18,7% tổng doanh thu của nhà thuốc; còn ở thành thị con số này chiếm 13,4%.
Việc lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh không đúng quy định, không an toàn không chỉ diễn ra ở trong cộng đồng mà ngay tại các bệnh viện cũng diễn ra điều tương tự này.
Theo báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và một số bệnh viện đa khoa trực thuộc các tỉnh, thành như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh cho thấy, có từ 30% đến 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với kháng sinh cephalosporins thế hệ 3, thế hệ 4; gần 40% đến 60% kháng với kháng sinh aminoglycosid và fluoroquinono. Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với kháng sinh imipenem.
Trong khi đó, một số kháng sinh mới đưa vào thị trường Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây như: imipenem, cilastatin, carbapenem… cũng đã giảm nhạy cảm đối với các trực khẩn gram âm không sinh men. Tỷ lệ đề kháng với kháng sinh imipenem, cilastatin của vi khuẩn Pseudomonas spp tăng dần qua các năm, từ 12, 5% vào năm 2003 lên đến 18,4% vào năm 2006.
Cũng theo Bộ Y tế, trong 7 nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc, nguyên nhân sử dụng kháng sinh được cho là phổ biến nhất và là nguyên nhân chủ yếu gây kháng thuốc.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, việc sử dụng kháng sinh quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn đều gây ra tình trạng kháng thuốc, tạo điều kiện cho các vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan.
Thực tế hiện nay, nhiều người bệnh tự mua kháng sinh điều trị, không có toa của thầy thuốc. Không ít những trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh điều trị những bệnh lý không do nhiễm khuẫn gây ra; sử dụng kháng sinh, thuốc không phù hợp với loại, chủng vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây ra…
Quyết liệt về vấn đề kháng kháng sinh gây kháng thuốc
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, nhiều kháng sinh ở Việt Nam đã sử dụng từ lâu thì nay nhiều nước tiên tiến trên thế giới mới bắt đầu sử dụng. Ngay tại Pháp, nhiều kháng sinh ở đây đang dùng, thì Việt Nam đã dùng từ lâu, bây giờ không còn tác dụng nữa, vì đã kháng kháng sinh. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ gây ra tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng, kéo dài thời gian điều trị cho bệnh nhân, chi phí điều trị tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng mà còn đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm.
Trước tình hình trên, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, đã đến lúc phải thực hiện quyết liệt về vấn đề kháng kháng sinh gây kháng thuốc.
Bà Xuyên cho biết, sắp tới đây Thanh tra Bộ Y tế sẽ tổ chức thanh tra các nhà thuốc bán kháng sinh. Các nhà thuốc bán kháng sinh phải có đơn thuốc của thầy thuốc, phải trương bảng hiệu “không bán kháng sinh, nếu không có đơn thuốc”. Bên cạnh đó, người dân cũng phải cam kết sử dụng kháng sinh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. “Sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả là một cuộc chiến chống kháng thuốc, chống nguy cơ không có thuốc điều trị”, bà Xuyên khẳng định.
Để tránh việc lạm dụng kháng sinh, gây kháng thuốc PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh ( Bộ Y tế) đề nghị, các bác sĩ khi kê toa cho bệnh nhân sử dụng trong 7 ngày không hết phải chẩn đoán lại, nếu sử dụng 2 loại kháng sinh trở lên phải được hội chẩn.
Trước thực trạng này, lần đầu tiên Việt Nam sẽ tổ chức tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc nhằm báo động tình trạng kháng sinh đang dần vô tác dụng do lạm dụng. Tuần lễ diễn ra từ ngày 16- 22/11 với lễ mittinh, diễu hành, chạy bộ dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội, TP CM, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng… Đồng thời tổ chức lấy một triệu chữ ký thể hiện cam kết phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam.
Tuần lễ này sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm. Trong dịp này, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng lập trang fanpage Tuần lễ kháng thuốc kháng sinh 2015 - AMR Week 2015 Viet Nam, nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với sự kiện quan trọng này.
Phạm Minh
Ý kiến bạn đọc