(VnMedia) - Nga đã chính thức xung trận ở Syria – một chiến trường mà siêu cường số 1 thế giới là Mỹ cùng với các đồng minh hùng mạnh của họ đang lâm vào thế bế tắc. Phải chăng Moscow đang chơi một canh bạc liều lĩnh ở Syria?
Ảnh minh hoạ |
Canh bạc liều lĩnh...
Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gây bất ngờ lớn khi liên tiếp tăng cường tiếp vận khí tài cho quân đội Syria đồng thời đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Nga ở quốc gia Trung Đông đầy hỗn loạn.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Nga đã triển khai một lực lượng tinh nhuệ gồm 28 máy bay chiến đấu đến căn cứ không quân của Syria ở Latakia. Ngoài con số này, Nga còn đem đến Syria 11 máy bay trực thăng tấn công, 9 xe tăng và hàng trăm binh lính.
Động thái trên đã ngay lập tức được giới phân tích nhìn nhận là bước khai màn cho một sự can thiệp sâu hơn, quyết liệt hơn của Nga vào chiến trường bế tắc 4,5 năm qua ở Syria.
Đúng như dự đoán, hôm 30/9, Nga chính thức tham chiến ở Syria bằng việc lần đầu tiên cho chiến đấu cơ của mình xuất kích thực hiện các cuộc oanh tạc dữ dội nhằm vào những mục tiêu được cho là của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Việc Nga dính líu vào một cuộc chiến tranh đầy bế tắc kéo dài suốt 4,5 năm qua được cho là một canh bạc liều lĩnh bởi để giành chiến thắng ở đây hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng, nhất là khi Nga chỉ thực hiện các cuộc không kích giống như Mỹ và một liên quân hùng hậu gồm nhiều nước đang làm.
Thực tế cho thấy, Mỹ - siêu cường số 1 thế giới với sự phối hợp của rất nhiều đồng minh hùng mạnh cũng tỏ ra bất lực trước tình hình ở Syria. Chiến dịch không kích của lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Syria trong nhiều tháng qua rõ ràng không có hiệu quả khi nhóm IS không hề suy yếu đi. Cùng với đó, sự hậu thuẫn và huấn luyện của Mỹ dành cho lực lượng nổi dậy Syria cũng cho thấy không có tác dụng.
Washington đang cho thấy một sự lúng túng, bế tắc trong chính sách đối với Syria và sự bất lực trong mục tiêu diệt trừ tận gốc IS.
Việc tham chiến ở Syria có thể đem lại lợi ích cho Nga nhưng nó cũng có thể gây ra nhiều vấn đề tiềm tàng. Nếu không thể giành chiến thắng, Nga rõ ràng sẽ bị mất mặt và uy thế trên trường quốc tế sẽ bị suy giảm. Chưa kể, Nga có thể phải đối mặt với những tổn thất to lớn về vật chất, về quan hệ ngoại giao với các nước ở Trung Đông cũng như chỗ đứng của Nga ở trong khu vực.
... nhưng đáng giá
Canh bạc ở Syria rõ ràng tiềm ẩn những nguy cơ nhưng nó đáng để Moscow thử bởi phần thưởng mà nước này nhận được nếu thắng trong canh bạc này là vô cùng to lớn.
Kết quả đầu tiên dễ nhận thấy nhất là sự can dự sâu hơn của Nga vào Syria đã giúp Moscow phá vỡ thế bị cô lập, buộc Mỹ phải tìm đến với Nga. Trước đó, Mỹ cùng Châu Âu đang thực hiện một chính sách o ép, bao vây, cô lập Moscow trên trên mọi mặt trận.
Tuy nhiên, sau khi chính quyền của Tổng thống Putin có những bước đi táo bạo ở Syria, giới chức Mỹ đã buộc phải nối lại các cuộc tiếp xúc với Nga. Đỉnh cao là cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Putin sau gần 2 năm “không nhìn mặt nhau”.
Sự kiện trên là một lời thừa nhận của Mỹ về vai trò quan trọng không thể thiếu của Nga trên con đường tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Đồng thời, nó cũng là sự thừa nhận của giới chức Mỹ về việc họ đã thất bại ở Syria và cần sự hợp tác của Nga để khai thông bế tắc.
Kết quả trên chưa phải là thứ lớn nhất mà Nga nhận được. Nếu đạt được thành công ở Syria, chính quyền của Tổng thống Putin sẽ đưa Nga trở lại trường quốc tế ở một vị thế rất khác, vượt qua cả uy thế của Mỹ. Nga sẽ khẳng định vị thế vững chắc của mình không chỉ ở khu vực Trung Đông quan trọng mà cả với thế giới. Các nước khi đó sẽ phải thừa nhận tầm quan trọng và vị thế của nước Nga.
Hiện tại, Nga đã đạt được thành công bước đầu khi nỗ lực thành lập liên minh chống IS của họ đã nhận được sự ủng hộ của một số nước trong khu vực như Iran và đặc biệt là Iraq – một đồng minh của Mỹ.
Một chi tiết đáng chú ý nhất là Nga đang dần lái các nước phương Tây đi theo mục tiêu của mình. Moscow đang đấu tranh với phương Tây, đặc biệt là Mỹ trong việc tiếp tục duy trì chính quyền Assad và thiết lập một liên minh quốc tế chiến đấu sát cánh bên quân đội Syria trong cuộc chiến chống IS. Trong khi Mỹ vẫn làm găng trong vấn đề đi hay ở của ông Assad thì một số đồng minh của Mỹ như Đức hay Australia bắt đầu có dấu hiệu lung lay. Sự lung lay của các nước Châu Âu là hoàn toàn dễ hiểu khi họ đang phải đối mặt với làn sóng di cư đáng lo ngại gây ra từ cuộc khủng hoảng ở Syria.
Một số nhà phân tích tin rằng, khi cuộc khủng hoảng ở Syria tiếp tục xấu đi thì rất có thể Mỹ sẽ phải xuôi theo Nga, chấp nhận sự dẫn dắt của Moscow trong hướng đi tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông.
Nếu tình hình diễn biến theo chiều hướng ở trên, Nga rõ ràng đã đánh bại Mỹ trong “ván cờ” Syria và điều này đem lại uy tín, vị thế và sức mạnh cho Nga.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc