Ukraine chính thức coi Nga là kẻ thù số 1

15:33, 25/09/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Petro Poroshenko vừa thông qua học thuyết quân sự sửa đổi của Ukraine, chính thức coi Nga là mối đe doạ chính đối với an ninh của nước này.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Poroshenko


“Sự xâm lược có vũ trang” của Nga hiện giờ đang đặt ra “một mối đe doạ nghiêm trọng” đối với Ukraine, bản học thuyết quân sự vừa được Tổng thống Poroshenko thông qua đã nói như vậy. Nội dung này ám chỉ đến cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đang diễn ra ở Ukraine hiện nay cũng như vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng Ba năm ngoái. Kiev coi vụ sáp nhập này là “sự chiếm đóng tạm thời” lãnh thổ của họ.
 
Chính quyền Kiev liên tục đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng ở nước họ. Kiev cáo buộc Nga tiến hành “cuộc xâm lược có vũ trang” vào miền đông UKraine kể từ sau khi xảy ra vụ đảo chính hồi tháng Hai năm ngoái khiến chính quyền của cựu Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Moscow bác bỏ mọi cáo buộc trên.
 
Trên thực tế, bản học thuyết quân sự mới của Ukraine không chỉ xem Nga là kẻ thù số 1 của họ mà còn là kẻ thù số 2 và số 3 theo như sự liệt kê các mối đe doạ tiềm năng đối với đất nước Ukraine. Cụ thể, ngoài “sự xâm lược có vũ trang” được đề cập đến đầu tiên, Kiev còn nhắc đến các mối đe doạ khác đối với họ bao gồm “sự tăng cường sức mạnh quân sự của Nga ở gần biên giới Ukraine”; “việc Nga triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở bán đảo Crimea” và “sự hiện diện quân sự của Nga ở Transnistria.”
 
Sau khi điểm ra hết tất cả những mối đe doạ có thể xảy ra từ Nga, bản học thuyết quân sự của Kiev đã đề cập đến “hoạt động của các nhóm vũ trang bất hợp pháp ở Ukraine”, khiến Kiev không thể thực thi quyền lực ở một số khu vực của đất nước. Phần này rõ ràng ám chỉ đến lực lượng ly khai ở hai nước cộng hoà nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk.
 
Học thuyết quân sự mới của Ukraine xác định tiến trình hoà giải ở miền đông Ukraine là một trong “những mục tiêu chính trong chính sách quân sự của Ukraine. Tuy nhiên, tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine lại bao gồm mục tiêu “diệt trừ toàn bộ các nhóm vũ trang bất hợp pháp và khôi phục lại quyền kiểm soát của Ukraine đối với khu vực biên giới với Nga”.
 
Học thuyết quân sự sửa đổi của Ukraine không hề đề cập gì đến các thoả thuận Minsk cũng như việc đối thoại trực tiếp với hai nước cộng hoà nhân dân Donetsk và Luhansk như các nước trong Bộ Tứ Normandy kêu gọi Kiev thực hiện.
 
Ukraine cũng đặt ra mục tiêu chi tiêu quân sự của nước này không ít hơn 3% GDP, trong đó chi phí dành cho đào tạo binh lính và mua sắm vũ khí mới được đặt lên ưu tiên hàng đầu.
 
Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
 
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt hơn 16 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
 
Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hoà bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.
 
Cuộc đối đầu giữa Nga và nước láng giềng Ukraine – 2 nước từng gắn bó mật thiết với nhau, dường như không có hồi kết.
 
Việt Tổng thống Poroshenko đặt bút ký vào bản học thuyết quân sự sửa đổi mới, chính thức xác định Nga là mối đe doạ an ninh số 1 của Ukraine, chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ giữa Nga và Ukraine thêm căng thẳng.
 
Kiev vẫn trông chờ vào phương Tây
 
Trong cuộc đối đầu quyết liệt với nước láng giềng Nga hiện nay, Kiev vẫn trông chờ vào sự giúp đỡ, hậu thuẫn của phương Tây bất chấp việc họ đã nhiều lần phải rơi vào trạng thái thất vọng bẽ bàng.
 
Bản học thuyết quân sự mới được Kiev thông qua ngay sau chuyến thăm của Tổng thư ký NATO đến Ukraine. Chuyến thăm này được coi là một động thái thể hiện sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev. Tuy nhiên, sự ủng hộ này đươc đánh giá chỉ mang tính biểu tượng.
 
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khi đặt chân đến thủ đô Kiev hồi đầu tuần đã cam kết sẽ bảo vệ Ukraine trước lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Tuy nhiên, sau lời cam kết này, ông Stoltenberg đã nhanh chóng dội một gáo nước lạnh vào những hy vọng vừa được nhen lên của Kiev bằng tuyên bố NATO không cung cấp vũ khí cho Kiev. Thay vào đó, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh đến việc thực hiện các thoả thuận Minsk.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc