Trải lòng của vị tỉ phú mua đảo cho người tị nạn!

14:54, 14/09/2015
|

(VnMedia) - "Cái chết của bé trai 3 tuổi - Aylan Kurdi trên bờ biển khiến tôi không thể ngồi yên và coi như đó không phải việc của mình. Đó là lý do tôi quyết định sẽ mua một hòn đảo làm nơi trú ngụ cho người tị nạn", tỉ phú người Ai Cập Naguib Sawiris chia sẻ với báo giới.

  Ảnh minh họa
Tỉ phú Ai Cập quyết định mua đảo cho người tị nạn....

  Ảnh minh họa
... sau khi chứng kiến cái chết của bé trai 3 tuổi người Syria

  Ảnh minh họa

  Ảnh minh họa

  Ảnh minh họa
Trong lúc này dòng người tị nạn vẫn đang đổ về châu Âu


Naguib Sawiris - giám đốc điều hành Cty viễn thông Orascom có trụ sở tại Cairo, Ai Cập - vừa có cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, Mỹ về kế hoạch nhân đạo đang rất được chú ý. Theo đó, ông Sawiris dự kiến sẽ bỏ ra số tiền lớn có thể lên tới cả trăm triệu euro để mua một hòn đảo làm nơi trú ngụ cho người tị nạn.
 
"Kế hoạch mua đảo cho người tị nạn xuất hiện sau khi tôi chứng kiến cái chết của bé trai Aylan Kurdi, 3 tuổi khi cùng gia đình tìm cách tới bờ biển của Hy Lạp, để tìm đường vào châu Âu. Tôi không thể ngồi yên và coi đó như không phải việc của mình", ông Sawiris mở đầu cuộc nói chuyện với CNN.
 
Theo ông Sawiris, để có thể hiện thực hóa tham vọng của mình, việc đầu tiên ông cần làm là phải thuyết phục được Italia hoặc Hy Lạp chịu nhượng lại một hoặc nhiều hòn đảo vốn không có người ở trên Địa trung Hải với chi phí từ vài chục triệu cho tới cả trăm triệu euro. Hòn đảo này sẽ được đặt tên của em bé đã thiệt mạng người Syria - đảo Aylan Kurdi.
 
Tiếp theo đó, vị tỉ phú này dự kiến sẽ xây dựng các bến thuyền để dễ dàng tiếp nhận người tị nạn. Ngoài ra các cơ sở vật chất thiết yếu như nhà ở, trường học, bệnh viện cũng phải được hoàn thành đồng bộ. Bên cạnh đó, ông Sawiris còn tính tới việc tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người tị nạn. "Đó là điều cần phải làm vì rõ ràng chiến tranh, xung đột sẽ không thể kết thúc trong vài tuần, vài tháng. Nó có thể kéo dài tới vài năm và chúng ta không thể biết chính xác được. Họ cần có cuộc sống ổn định cho tới khi có thể trở về quê hương", ông Sawiris nhận định.
 
Vấn đề được ông Sawiris băn khoăn nhất chính là việc cần thiết áp đặt những quy tắc, luật lệ chung và cơ bản cho những hòn đảo này để duy trì sự ổn định.
 
Dù đề xuất của ông Sawiris được nhiều người ủng hộ nhưng để trở thành hiện thực là điều rất khó. Việc mua bán đảo tại Địa Trung Hải có thể kéo theo những vấn đề phức tạp liên quan tới pháp lý, lãnh hải... mà chưa chắc Italia hay Hy Lạp đã nhiệt tình hưởng ứng.
 
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về tính hiệu quả của giải pháp này. James Hathaway, giám đốc chương trình liên quan đến người tị nạn, Đại học Luật Michigan nhận định: "Nếu người di cư và tị nạn bị buộc phải sống trong các vùng đất mới sẽ làm gia tăng các vấn đề về đạo đức nghiêm trọng. Người tị nạn sẽ mắc kẹt mãi mãi trên hòn đảo và có thể coi là một trại tù quy mô lớn. Chắc chắn họ sẽ không ngừng tìm kiếm một quốc gia tốt đẹp hơn, nơi họ có nhiều bạn bè và người thân”.
 
Lý giải cho hành động của tỉ phú người Ai Cập, William Swing - người đứng đầu tổ chức liên quan tới các vấn đề nhập cư quốc tế (IOM) khẳng định, hành động tự phát của các tổ chức, cá nhân muốn giúp đỡ người tị nạn là điều hết sức bình thường, cho dù đó có thể là những ý tưởng chưa thực sự khả thi.
 
"Chưa bao giờ tôi thấy có quá nhiều thảm kịch nhân đạo, tranh cãi phức tạp và những vấn đề không thể giải quyết nhiều như lúc này. Đáng ngạc nhiên là các quốc gia châu Âu lại không thể đưa ra những giải pháp cấp bách hay lâu dài. Chính vì vậy, việc các cá nhân, tổ chức đưa ra những kế hoạch hành động để giải quyết tình trạng người tị nạn là hết sức bình thường", ông William Swing nói.
 
Trong lúc này, Liên minh châu Âu (EU) đã đi đến thống nhất và công bố kế hoạch định cư cho 160.000 người, phần lớn là người tị nạn Syria đã tới lục địa già trong thời gian qua. Tuy nhiên, kế hoạch này bị chỉ trích vì chưa sát thực tế khi con số người nhập cư vào châu Âu theo báo cáo mới nhất đã vượt quá 350.000 người trong hơn 8 tháng qua. Bản báo cáo cũng cho biết, hơn 2.600 người đã bỏ mạng trong chuyến hành trình tới với châu Âu.


Minh Quang - (Theo Huffing, Mail)

Ý kiến bạn đọc