Thất bại thê thảm, Tổng thống Ukraine gây thất vọng

09:09, 01/08/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Ukraine đang gây thất vọng đối với rất nhiều người dân Ukraine khi ông này thất bại trên một loạt mặt trận, từ quân sự đến kinh tế, ngoại giao.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Poroshenko


Thất bại quân sự ở miền đông Ukraine cùng thất bại trên “mặt trận” giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến hình ảnh của Nhà lãnh đạo Petro Poroshenko. Từ một chiến binh kiên quyết đấu tranh chống lại chủ nghĩa ly khai, ông Poroshenko đã biến mình thành một nhà ngoại giao mềm yếu không thể giữ được những cam kết mà ông này đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, tờ Die Welt của Đức đã nhận định như vậy.
 
Nhiều người dân Ukraine đang thể hiện sự thất vọng não nề trước Tổng thống Poroshenko – người mà họ từng coi là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán và là người có thể giải quyết mọi vấn đề của họ trong một thời gian ngắn.
 
Trong chiến dịch vận động tranh cử hồi năm 2014, ông Poroshenko từng hứa rằng, “chiến dịch chống khủng bố” của Kiev nhằm vào lực lượng ly khai vùng Donbass (từ dùng để chỉ hai khu vực miền đông Luhansk và Donetsk) sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày. Tuy nhiên, kể từ đó, cuộc xung đột ở miền đông Ukraine vẫn chưa dừng lại. Ít nhất 6.500 người đã thiệt mạng và cuộc chiến vẫn tiếp tục.
 
Thất bại quân sự là đòn giáng mạnh vào hình ảnh của Tổng thống Poroshenko. Tương tự như vậy đối với thất bại trên mặt trận kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ukraine đã gây ảnh hưởng đến đời sống của mọi người dân. Trong cuộc bầu cử năm 2014, 54,7% người dân Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ ông Poroshenko, đảm bảo cho ông này một chiến thắng ngay từ vòng đầu của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, số người ủng hộ Nhà lãnh đạo Ukraine đã sụt giảm thê thảm, chỉ còn 15%.
 
Ông Poroshenko hứa sẽ bán tập đoàn bánh kẹo của ông này nhưng lời hứa đó cho đến nay vẫn chưa được thực hiện, tờ báo của Đức cho hay. Cuộc chiến chống tham nhũng không hiệu quả. Không có chính khách cấp cao nào đối diện với cáo buộc tham nhũng bị đưa vào tù và nhiều trong số này đã chạy trốn ra nước ngoài.
 
Các cuộc xung đột vũ trang gần đây giữa chính quyền Kiev với nhóm Cánh Hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở thành phố Mukachevo đã “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến Tổng thống Poroshenko thêm khó. Nhà lãnh đạo Ukraine giờ đây đang phải chịu sức ép về việc làm sao chứng minh được rằng Kiev có thể kiểm soát được các lực lượng vũ trang cực đoan – những nhóm không ủng hộ thỏa thuận Minsk và đang đòi lật đổ chính quyền đương nhiệm hiện nay.
 
Như vậy, từ một chiến binh kiên định, mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa ly khai, một người sẵn sàng mặc quân phục, Tổng thống Ukraine đang dần biến thành một nhà ngoại giao ủng hộ thỏa thuận Minsk. Một số đông người dân Ukraine không thể tha thứ cho sự thay đổi này của ông Poroshenko và họ coi ông là một nhà lãnh đạo nhu nhược, yếu kém, tờ Die Welt của Đức nhận định.

Tòa án tối cao Ukraine mở đường cho việc cấp chế độ tự trị cho lực lượng ly khai
 
Liên quan đến tình hình Ukraine, tòa án tối cao nước này hôm qua (31/7) đã cho phép Quốc hội bỏ phiếu về những sửa đổi hiến pháp được phương Tây ủng hộ nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu. Theo đó, những sửa đổi này cho phép lực lượng ly khai miền đông Ukaine có được quyền tự trị nhất định.
 
Ý tưởng cấp chế độ tự trị kéo dài ba năm cho các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine đã gây ra một sự bất mãn trong nhiều nghị sĩ và phần lớn báo chí của Kiev. Tuy nhiên, điều này trên thực tế đã được quy định rõ ràng trong thỏa thuận ngừng bắn mà Tổng thống Poroshenko đã ký hồi tháng 2 ở thủ đô Minsk của Belarus.
 
Quốc hội Ukraine hôm 16/7 đã đề nghị tòa án hiến pháp Ukraine ra phán quyết về việc liệu những thay đổi về quy chế tự trị cho miền đông Ukraine có hợp pháp hay không.
 
Thẩm phán Vasyl Brintsev khẳng định không chút ngần ngừ rằng, điều đó hoàn toàn hợp pháp. Việc cho phép các khu vực miền đông Ukraine tự tổ chức các cuộc bầu cử của riêng họ và lập ra lực lượng cảnh sát riêng “không phá vỡ hay vi phạm các quyền và sự tự do của người dân Ukraine”, ông Brintsev cho biết khi đưa ra quyết định.
 
Điều khoản thay đổi hiến pháp được phác thảo là một phần của đề xuất lớn hơn về “phi tập trung hóa quyền lực” mà theo đó Kiev sẽ phải nhường lại một số quyền hành cho tất cả các khu vực và đặc biệt trao quyền tự trị lớn hơn cho các khu vực nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng ly khai trong những năm sắp tới.
 
Một nghị sĩ cấp cao Ukraine cho biết, cuộc bỏ phiếu thứ hai trong số 3 cuộc bỏ phiếu về sự thay đổi hiến pháp sẽ diễn ra vào cuối tháng tới. Quốc hội sau đó cần phải tập hợp được sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ thì những sửa đổi hiến pháp mới có thể được thông qua và có hiệu lực.
 
Tổng thống Poroshenko hôm qua đã miêu tả phán quyết của tòa án hiến pháp là “một bước đi quan trọng đưa chúng ta đến gần hơn với những thay đổi trọng yếu của đất nước”.
 
"Lần đầu tiên trong lịch sử Ukraine, nguyên thủ và chính phủ trao lại một mức độ quyền lực lớn cho các khu vực. Điều này sẽ làm cho đất nước của chúng ta hùng mạnh và còn nguyên vẹn”, ông Poroshenko cho biết trên trang Facebook.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc