Nga ra đòn "đoạn tuyệt" với Pháp

15:48, 04/08/2015
|

(VnMedia) - Một nhóm chuyên gia của Nga dự kiến sẽ tới Pháp vào tháng 9 tới để tháo dỡ các thiết bị đã được lắp đặt trên các tàu trực thăng đổ bộ lớp Mistral. Thông tin trên vừa được một nguồn tin thân cận với bộ phận hợp tác kỹ thuật quân sự Nga tiết lộ với hãng tin Itar-Tass.
 
“Một nhóm chuyên gia hiện đang chuẩn bị cho công tác tháo dỡ thiết bị liên lạc từ tàu trực thăng đổ bộ Mistral. Họ dự kiến sẽ đến Pháp vào tháng 9 tới”, nguồn tin trên cho hay.

Trước đó, một nguồn tin thuộc lĩnh vực sản xuất quốc phòng Nga từng nói với hãng tin Itar-Tass rằng, các nhà chức trách Nga đã bắt đầu tập hợp một nhóm chuyên gia để điều tới Pháp tháo dỡ các thiết bị đã được lắp đặt trên tàu chiến Mistral.

Ảnh minh họa

“Chúng tôi đã nhận nhiệm vụ làm việc này và hiện chúng tôi đang tập hợp một nhóm chuyên gia, những người có thể tới Pháp để tháo dỡ hệt thống viễn thông và điều khiển do các nhà sản xuất của Nga cung cấp và đã được lắp đặt trên tàu chiến Mistral”, nguồn tin trên tiết lộ hôm 25/7.

Nguồn tin trên cho hay, các thiết bị đó có thể được sử dụng trên các tàu chiến hải quân khác của Nga. Được biết, các hệ thống điều khiển và viễn thông trên do Tập đoàn Sistemy Upravleniya của Nga thiết kế và chế tạo.
 
Mới đây, nghị sĩ Pháp – ông Jacques Myard từng nói rằng, việc Pháp từ chối bàn giao hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga là một sai lầm nghiêm trọng.
 
"Đó cũng là một sai lầm lớn. Tôi luôn luôn nói rằng, chúng tôi nên bàn giao tàu chiến, đó là một hợp đồng”, ông Myard nhấn mạnh.

Theo nghị sĩ Pháp, chẳng có lý do gì để nối  liên quan đến các nghĩa vụ của Pháp trong hợp đồng tàu chiến Mistral với cuộc khủng hoảng ở Ukraine . 
 
"Đây không phải là những con tàu có thể được sử dụng để đánh bom Kiev. Chúng cũng không phải là những con tàu có thể can thiệp vào tình hình ở Donbass (từ dùng để chỉ hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk của Ukraine ). Vì thế, không có lý do gì để không bàn giao hai chiếc siêu tàu chiến đó", nghị sĩ Myard nhấn mạnh. 
 
Theo lời ông Myard, Pháp bị buộc phải lạnh lùng ra tay với Nga vì áp lực của Mỹ và để thể hiện sự đoàn kết với các nước Châu Âu khác. 
 
"Chỉ bởi vì cái gọi là sự đoàn kết Châu Âu và cũng vì áp lực từ Mỹ, Pháp đã buộc phải gia nhập vào chiến dịch chống Nga của Liên minh Châu Âu. Chiến dịch này được dẫn dắt bởi một số quốc gia từng có lịch sử lâu dài với đất nước của các bạn - Nga. Đó là những nước Baltic và Ba Lan”, ông Myard cho hãng tin Sputnik của Nga biết. 
 
Vị nghị sĩ người Pháp thẳng thắn cảnh báo rằng, những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang gây hại cho chính những lợi ích quốc gia của Pháp. 
 
"Bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, chúng ta đang đi ngược lại với những lợi ích của mình. Việc Nga thuộc Châu Âu và là một đối tác của Pháp cũng như Châu Âu đem lại lợi ích cho chúng ta cả về mặt ngoại giao, địa chiến lược, kinh tế, thương mại và văn hóa”, nghị sĩ Myard khẳng định. 
 
Ông Myard là một trong số 10 nghị sĩ Pháp đã có chuyến thăm bán đảo Crimea vào ngày 24/7. 
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Lý do của sự trì hoãn này là cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Dưới sức ép của Mỹ và EU, Pháp đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng bán siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. 
 
Hiện tại, giới chức ở Paris đang đau đầu lo giải quyết hậu quả của việc kiên quyết hủy bỏ hợp đồng Mistral. Với việc tự ý phá bỏ hợp đồng, Pháp đương nhiên phải chấp nhận thanh toán một khoản tiền phạt. Giới chức ở Moscow từng tuyên bố sẵn sàng không nhận tiền phạt phá ngang hợp đồng của Paris nhưng họ vẫn đòi hỏi Pháp phải thanh toán các chi phí và tổn thất mà họ phải bỏ ra trong quá trình theo đuổi hợp đồng với Pháp.
 
Với những diễn biến như trên, có thể thấy rõ rằng, hợp đồng tàu chiến lớp Mistral giữa Nga và Pháp hoàn toàn đã bị hủy bỏ. Hiện tại, hai bên chỉ còn tập trung thảo luận về các thủ tục trao trả lại tiền, thanh toán những thiệt hại, bồi thường cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ, kỹ thuật. Pháp rất muốn bán lại hai chiếc siêu tàu chiến đắt đỏ cho một đối tác thứ ba để giảm thiểu thiệt hại nhưng Nga chưa cho phép điều này. Moscow tuyên bố, hai tàu Mistral có chứa những bí mật quân sự của Nga và vì thế Pháp không được phép bán chúng khi nhận được cái “gật đầu” từ Moscow. 


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc