Nga phát triển tàu ngầm "độc nhất vô nhị" thế hệ mới

09:08, 02/08/2015
|

(VnMedia) - Công tác chế tạo tàu ngầm phi hạt nhân Kalina thế hệ thứ 5 được trang bị hệ thống AIP sẽ được khởi động từ sau năm 2020. Đó là thông tin vừa được một nguồn tin cấp cao của Hải quân Nga đưa ra tuần qua.
 
“Chúng tôi đang chuẩn bị cho đề án Kalina, và con tàu đầu tiên sẽ được khởi đóng sau năm 2020”, nguồn tin trên tiết lộ với hãng tin RIA Novosti.

Ảnh minh họa

Trước đó, Tư lệnh Hải quân Nga - Đô đốc Viktor Chirkov cho biết, chính sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật thế giới, không cho phép ngành công nghiệp đóng tàu ngầm của Nga tồn tại khoảng trống giữa thời gian phát triển các thế hệ tàu ngầm.
 
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov cho biết: “Tuy việc chuyển giao tàu ngầm thế hệ thứ tư đang diễn ra, song Nga từ lúc này đã phải tiến hành thiết kế tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ năm, lớp Kalina, được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập tối tân (AIP)”.
 
“Ngành công nghiệp đóng tàu của chúng tôi hứa hẹn sẽ hoàn tất phát triển hệ thống AIP này trước năm 2017 và sẽ lắp đặt chiếc tàu ngầm đầu tiên được trang bị hệ thống này trước năm 2018”, ông Chirkov nhấn mạnh.
 
“Nga hiện đang thiết kế tàu ngầm thông thường thế hệ thứ 5 - lớp Kalina, được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập tối tân (AIP)”, Đô đốc Viktor Chirkov - Tư lệnh Hải quân Nga cho hay.
 
Trước đó, vị đô đốc Hải quân này đã từng cho biết, hệ thống AIP ban đầu chỉ có thể được thử nghiệm trên tàu ngầm điện diesel lớp Lada hiện đang trong biên chế của hải quân Nga – tàu ngầm St.Petersburg. Tàu St.Petersburg hiện đang được tiến hành thử nghiệm trên biển ở Biển Barents sau hàng loạt thay đổi về thiết kế.
 
Hệ thống AIP mang lại ưu thế rõ rệt so với các tàu ngầm điện diesel thông thường. Hệ thống AIP cho phép tàu ngầm hoạt động ở dưới nước lâu hơn, trong khi tàu ngầm diesel-điện phải thường xuyên nổi lên để nạp pin nên dễ lộ vị trí.
 
Mặt khác, tàu ngầm AIP có khả năng ẩn mình cao hơn tàu ngầm hạt nhân, do tàu ngầm hạt nhân thường phải liên tục chạy các máy bơm ồn ào để làm mát lò phản ứng. Tiếng ồn từ máy bơm có thể thu hút sự chú ý của đối phương, khiến đối phương dễ dàng phát hiện ra vị trí của con tàu.
 
Công nghệ động cơ AIP của Nga dựa trên sự tái hợp nhiên liệu diesel, qua đó tạo ra hydro. Điều đó cho phép không phải lưu giữ dự trữ hydro trên tàu và giảm nguy cơ xảy ra tai nạn.
 
Qua thử nghiệm cho thấy hệ thống AIP mang lại ưu thế rõ rệt so với các tàu ngầm điện diesel thông thường bởi các tàu này vốn buộc phải thường xuyên nổi lên mặt nước để nạp pin, đồng thời cũng hơn hẳn so với các tàu ngầm hạt nhân vốn cũng phải liên tục chạy các máy bơm ồn ào để làm mát lò phản ứng.
 
Các tàu ngầm trang bị những hệ thống AIP tiên tiến có thể lặn trong thời gian 1 tuần liên tục mà không gây ra tiếng ồn và hiện đang được vận hành triển khai trong hải quân một số nước trên thế giới.
 
Tuy nhiên, Mỹ hiện chưa áp dụng công nghệ này mà thay vào đó, họ chuộng các tàu ngầm hạt nhân có thời gian và phạm vi hoạt động lâu dài hơn.
 
Trước nữa, nhiều nguồn tin cho biết, hải quân Nga đang phát triển tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ năm tại Cục thiết kế trung ương Rubin, với sự tham gia của các trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng, Học viện Hải quân Nga và một số đối tác, nhà thầu khác.
 
Các nguồn tin khẳng định, tàu ngầm hạt nhân thế hệ năm có tiếng ồn rất thấp, được trang bị các hệ thống điều khiển tự động hiện đại, lò phản ứng hạt nhân an toàn, và vũ khí với tầm tấn công xa hơn, thời gian hoạt động có thể lên tới 50 năm, và đặc biệt là được trang bị những công nghệ tàng hình tối tân nhất.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc