(VnMedia) - Sau Pháp, Italia và Ba Lan, đến lượt các nghị sĩ Đức ấp ủ ý định đến thăm bán đảo Crimea xinh đẹp vừa được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái. Thông tin này có thể khiến Mỹ giật mình lo ngại bởi xu hướng thông cảm với Nga đang ngày càng gia tăng trong các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là những đồng minh mạnh như Pháp và Đức.
Ảnh minh họa |
Theo tiết lộ của ông Alexander Neu - thành viên của Quốc hội Đức (Bundestag) đến từ Đảng Die Linke theo đường lối cánh tả, các nghị sĩ Đức có thể sẽ đến thăm bán đảo Crimea sau phái đoàn Pháp.
Hôm 23 và 24/7 vừa rồi, một phái đoàn gồm 10 thành viên Quốc hội Pháp do cựu Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Pháp Thierry Mariani dẫn đầu đã có chuyến công du đến Crimea để tận mắt đánh giá tình hình kinh tế và xã hội trên bán đảo xinh đẹp ở Biển Đen này.
“Tôi cho rằng chuyến thăm của các nghị sĩ Pháp là hành động đúng đắn... Họ cần phải chỉ ra và nói cho các quan chức Pháp, chính khách Pháp và cộng đồng người dân Pháp về tình trạng thực sự ở Crimea”, ông Neu hôm nay (3/8) cho biết.
Cũng theo nghị sĩ Neu, khả năng đến thăm bán đảo Crimea dễ được chấp nhận với đảng Die Linke hơn bất kỳ đảng phái nào trong Bundestag (Quốc hội Đức). Ông Neu khẳng định, đảng của ông sẽ thảo luận về chuyến thăm Crimea sau khi Quốc hội Đức bắt đầu hoạt động trở lại vào tháng 9 tới.
Những thông tin vừa được nghị sĩ Đức cung cấp ở trên đã cho thấy một bước ngoặt thay đổi đáng chú ý trong lập trường của giới chức các nước Châu Âu đối với vấn đề Crimea. Nó phát đi dấu hiệu cho thấy phương Tây có thể đang dần dần tiến tới việc công nhận bán đảo Crimea là thuộc Nga mặc dù sự công nhận này có thể còn lâu mới được công nhận trên giấy tờ chính thức.
Trước Đức, đã có một phái đoàn nghị sĩ Pháp đến thăm bán đảo Crimea và tiếp đó là các nghị sĩ Italia cũng như Ba Lan đang lên kế hoạch để thực hiện chuyến công du đến khu vực được sáp nhập vào Nga hồi năm ngoái này.
Hồi cuối tháng 7, một nhóm nghị sĩ Italia đã công khai thông báo kế hoạch đến thăm bán đảo Crimea xinh đẹp ở Biển Đen. Thông báo này được đưa ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi một phái đoàn nghị sĩ Pháp đến Crimea.
Phái đoàn Italia đến thăm Crimea sẽ gồm từ 8 đến 10 nghị sĩ và do một thành viên của Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Italia – ông Alessandro di Battista dẫn đầu, tờ nhật báo Kommersant dẫn nguồn tin từ một trong những nhà tổ chức chuyến đi – ông Manlio Di Stefano, cho biết. Ông Stefano là đại diện của phong trào Năm Sao trong Quốc hội Italia.
Cũng như phái đoàn nghị sĩ Pháp, phái đoàn của Italia sẽ thực hiện chuyến công du đến Crimea để trực tiếp tận mắt xem xem cuộc sống của người dân ở bán đảo Crimea như thế nào sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.
Ngoài Pháp, Italia, ông Márton Gyöngyösi – Phó Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Hungary cũng bày tỏ ý định muốn đến thăm bán đảo Crimea.
Điều đáng nói ở đây là sau khi phái đoàn nghị sĩ Pháp đến thăm bán đảo Crimea, phái đoàn này đã có những nhận định, đánh giá tốt về tình hình ở bán đảo Crimea. Phái đoàn nghị sĩ Pháp thậm chí đã lên tiếng bênh vực cho quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc tiến hành vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Các nghị sĩ Pháp cho rằng, hành động của ông Putin giúp tránh cho Crimea khỏi việc rơi vào một cuộc chiến tranh.
Đánh giá trên của phái đoàn nghị sĩ Pháp là một cú giáng mạnh vào Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) bởi phương Tây kịch liệt phản đối vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Chính vì vụ việc này, phương Tây đã tung ra hàng loạt đòn trừng phạt hà khắc nhằm vào Nga.
Nếu các phái đoàn Italia, Ba Lan và Đức lần lượt đến Crimea và lần lượt đưa ra những nhận định tương tự về bán đảo Crimea như phái đoàn nghị sĩ Pháp thì đây sẽ là điều gây nguy hiểm cho lập trường của phương Tây đối với Nga. Rất có thể, những phái đoàn nghị sĩ này sẽ làm gia tăng xu hướng chống đối chính sách hiện nay của phương Tây đối với Nga và mặt trận đoàn kết mà phương Tây dày công dựng lên để chống Nga có thể đổ vỡ.
Lo ngại diễn biến trên, giới chức chính quyền ở Paris đã lên án gay gắt chuyến thăm của các nghị sĩ nước này, nói rằng đó là một hành động vi phạm luật quốc tế.
Về phần mình, chính quyền Kiev cũng đang “phát sốt” vì “phản ứng dây chuyền” từ chuyến thăm của phái đoàn nghị sĩ Pháp đến Crimea. Kiev đã lên tiếng cảnh báo sẽ tung ra đòn phản ứng, khiến các nghị sĩ phải hứng chịu hậu quả nếu đến thăm Crimea.
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm ngoái. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev , trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine , đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc