Lộ tin tối mật về tên lửa vô đối, Nga điếng người

08:08, 08/08/2015
|

(VnMedia) - Báo chí đang rộ lên tin về việc một nhóm hacker đã có trong tay những thông tin tối mật về các vị trí bố trí siêu tên lửa “vô đối” Iskander của Nga. Thông tin gây giật mình này đã khiến giới chức Nga không khỏi “toát mồ hôi” vì lo sợ.
 

Ảnh minh họa

Tên lửa Iskander là một trong những loại vũ khí của Nga khiến các đối thủ đáng gờm cũng phải dè chừng, kiêng nể


Tại cuộc họp báo với các phóng viên báo chí ngày hôm qua (7/8), thư ký báo chí của Tổng thống Nga – ông Dmitry Peskov cho biết, giới chức nước này sẽ nhanh chóng tìm hiểu và xác định tính xác thực của thông tin về việc nhóm hacker của Anonymous International biết rõ các vị trí chiến lược được Nga triển khai tên lửa tối tân Iskander.
 
Khi được đề nghị trả lời câu hỏi về việc liệu các thông tin mà Anonymous đưa ra có đúng hay không, ông Peskov trả lời: "Không, tại sao, tôi không nói như vậy. Tôi nói rằng, thông tin đó sẽ được kiểm tra, xác minh”.
 
Theo lời phát ngôn viên điện Kremlin, các cơ quan đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ những bí mật quốc gia sẽ tiến hành xác minh tính xác thực của những thông tin mà nhóm hackers tung ra.
 
Trước đó, các hackers của nhóm Anonymous International tuyên bố rằng họ đã có được trong tay và sẽ công bố những thông tin mật về các vị trí triển khai tên lửa vô đối Iskander-M cũng như tàu ngầm hạt nhân của Nga. Anonymous International cho rằng, giới sĩ quan của Bộ Quốc phòng Nga đã trao đổi các tài liệu và thông tin mật qua hệ thống email miễn phí Yandex, Mail.Ru và Gmail trong suốt 4 năm qua.
 
Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006.
 
Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.
 
Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
 
Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào.
 
Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.
 
Hồi năm 2011, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã từng thông báo kế hoạch triển khai một loạt tổ hợp tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad nhằm đối phó với mối đe dọa từ hệ thống lá chắn tên lửa mà Mỹ định dựng lên ở một số nước Đông Âu.
 
NATO và Mỹ khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ chỉ nhằm để bảo vệ các nước thành viên NATO khỏi những cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ phía Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, Moscow không tin điều này. Moscow muốn Washington đảm bảo bằng văn bản pháp lý rằng hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu không nhằm vào Nga nhưng Washington từ chối yêu cầu này. Chính vì lẽ đó, Nga nhiều lần cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc