Hải quân Nga triển khai phi đội chiến đấu cơ "vô đối"

10:32, 04/08/2015
|

(VnMedia) - Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga hôm qua (3/8) cho biết, một phi đội máy bay chiến đấu hải quân Su-33 đã được đưa vào biên chế để bảo vệ không phận tại khu vực Kola ở Bắc Cực.
 
Phát ngôn viên Hạm đội phương Bắc cho biết: “Các phi công thuộc trung đoàn máy bay chiến đấu hạm của Hạm đội phương Bắc đã bắt đầu sử dụng máy bay chiến đấu hạm Su-33 Flanker, phiên bản hải quân của máy bay Su-27 đa năng, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới không phận khu vực Kola ở Bắc Cực”.
 
“Phi đội máy bay chiến đấu hạm Su-33 Flanker này đã được biên chế hoạt động trong một buổi lễ tổ chức hôm 1/8 vừa qua”, người phát ngôn trên cho hay.

Ảnh minh họa

Sukhoi Su-33 là một máy bay chiến đấu hải quân được sản xuất ở Nga. Nó có thể hoạt động trên tàu sân bay và có khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Su-33 được trang bị 1 pháo và mang được 6.500 kg vũ khí dươíi 12 điểm treo cứng dưới thân.
 
Sukhoi Su-33 (tên ký hiệu của NATO 'Flanker-D') là một máy bay chiến đấu hải quân được sản xuất ở Nga bởi hãng Sukhoi vào năm 1982 cho tàu sân bay.
 
Đây là một máy bay có thiết kế bắt nguồn từ Sukhoi Su-27 'Flanker' và ban đầu nó được biết đến với tên gọi Su-27K. Sự khác biệt chính giữa Su-27 và Su-33 là Su-33 có thể hoạt động trên tàu sân bay. Không giống như Su-27, Su-33 có khả năng tiếp nhiên liệu trên không.
 
Su-33 bay lần đầu tiên vào tháng 5/1985, và bắt đầu phục vụ trong Hải quân Nga vào năm 1994.
 
Một trung đoàn gồm 24 chiếc đã được biên chế hoạt động trên tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga, chiếc Đô đốc Kuznetsov.
 
Phi đoàn gồm 1 người. Có thiết kế với chiều dài: 21.94 m; Sải cánh: 14.70 m; Sải cánh khi gấp: 7.40 m; Chiều cao: 5.93 m; Diện tích cánh: 62.0 m².
 
Không giống như những máy bay chiến đấu trên các tàu sân bay đương thời của Mỹ, như F-14 Tomcat, Su-33 được thiết kế để sử dụng đường băng cất cánh kiểu nhảy cầu (ski jump) thay vì máy phóng khi cất cánh từ tàu sân bay.
 
Tính năng này đem đến cho Su-33 nhiều lợi thế: khi cất cánh nó sẽ không tạo ra áp lực cho khung máy bay và phi công, cho phép trọng lượng máy bay nhẹ hơn vì ít phải tăng cường cấu trúc khung và ngăn ngừa được sự mất tri giác do lực G (G-LOC, G-induced loss of consciousness).
 
Đồng thời, với kiểu nhảy cầu, máy bay có thể có được toàn bộ lực đẩy có đốt sau sớm hơn, vì nó được ghìm lại bởi đế chặn chứ không phải bởi những chốt móc của máy phóng.
 
Khi đã lên không máy bay sẽ có được góc tấn công lớn, làm tăng thêm tốc độ bay góc lên cao đạt được trong khi gia tốc, giúp lên cao tốt hơn. Phương pháp này yêu cầu máy bay ổn định hơn và cơ động được tại tốc độ thấp.
 
Ở mặt tiêu cực, máy bay cất cánh kiểu này không thể mang tải trọng nặng, trừ khi trọng lượng cất cánh tối đa rất thấp như kiểu Hawker Siddeley Harrier và các phiên bản của nó.
 
Máy bay lớn không thể cất cánh từ đường băng kiểu nhảy cầu, nên giới hạn việc áp dụng kiểu này chỉ cho các tàu sân bay chiến thuật. Những cánh mũi của Su-33 được rút ngắn lại để rút ngắn khoảng cách cất cánh và cải thiện khả năng cơ động, nhưng cũng yêu cầu thiết kế lại cạnh trước cánh mở rộng.
 
Cánh mũi cân đối lại lực ép xuống sinh ra do cánh chính và cánh sau, giảm bớt tốc độ hạ cánh xuống 1.5 lần. Nó cũng đóng vai trò gây mắt ổn định trong khi bay với tốc độ siêu âm, bằng cách giảm bớt lực cản cắt dốc.
 
Diện tích cánh cũng được tăng thêm, dù sải cánh vẫn có kích thước như cũ. Cánh chính có thể được gấp lại bằng điện và cánh đuôi ngắn hơn cho phép chứa máy bay trong khoang chứa máy bay thường rất đông đúc.
 
Mỏm sau cũng được rút ngắn và sửa đổi để chứa bộ phận móc ở đuôi. Hệ thống dẫn đường và dò mục tiêu hồng ngoại (IRST) được đổi chỗ cho tầm nhìn xuống tốt hơn, và gắn thêm một ống tiếp nhiên liệu trên không dạng chữ L có thể thu vào được để tăng tầm bay.
 
Các tên lửa dẫn đường mà Su-33 có thể mang như KH-25MP, Kh-31 và H-41. Máy bay có thể sử dụng trong cả ngày lẫn đêm trên biển.
 
Nó có thể vận hành dưới sự giúp đỡ của trung tâm đìeu khiển trên tàu, hay phối hợp với máy bay trực thăng cảnh báo trên không Kamov Ka-31 (một phiên bản của Ka-27).
 
Tên lửa R-27EM cung cấp cho Su-33 khả năng ngăn chặn các tên lửa đối hạm.
 
Ngoài vai trò phòng thủ trên không, các nhiệm vụ khác của Su-33 bao gồm: tiêu diệt các phương tiện chống tàu ngầm đối phương (ASW), máy bay cảnh báo và chỉ huy trên không (AWACS), máy bay vận tải, chống tàu chiến, hỗ trợ đổ bộ, hộ tống, trinh sát và thả mìn.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc