(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua (4/8) đã phải triệu tập cuộc họp với các tướng lĩnh để bàn bạc, thảo luận về thất bại của Kiev trong cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các cuộc xung đột với lực lượng ly khai sau khi xảy ra làn sóng những cuộc giao tranh mới khiến ít nhất 7 binh lính của chính phủ thiệt mạng.
Tổng thống Poroshenko |
Tổng thống Poroshenko thấy mình bị kẹt giữa một bên là những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn tiếp tục chiến đấu với quân ly khai và bên kia là giới lãnh đạo phương Tây đang thúc ép Kiev phải nhanh chóng kết thúc cuộc nội chiến kéo dài đã 16 tháng qua ở quốc gia Đông Âu.
Nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã phái một đặc phái viên của mình đến thủ đô Minsk của Belarus hôm thứ Hai đầu tuần (3/8) để thảo luận về một thỏa thuận rút vũ khí mới với các nhà đàm phán đại diện cho lực lượng ly khai miền đông và Nga.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán do Châu Âu làm trung gian này đã thất bại sau hơn 6 giờ thảo luận căng thẳng. Cuộc đàm phán thất bại này theo một đại diện của quân ly khai là do Kiev từ chối rút lực lượng ra khỏi 4 điểm chiến lược.
"Chúng ta cần phải xác định rõ ràng một kế hoạch cho việc củng cố hệ thống phòng thủ của mình trong trường hợp xung đột leo thang", Tổng thống Poroshenko đã nói như vậy với các bộ trưởng và các thành viên của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia đầy quyền lực của Ukraine.
Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine – ông Oleksandr Turchynov cho biết, đã có thêm 3 binh lính của quân đội thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng rocket xảy ra đêm ngày 3/8. Trước đó, Kiev cũng cho hay, 4 người lính của họ bị giết hại trong ngày 3/8 trong khi quân ly khai miền đông Ukraine thông báo họ mất một người trong 2 ngày qua.
Chính quyền Kiev và các đồng minh phương Tây lo sợ cuộc nội chiến cướp đi sinh mạng của gần 7.000 người trong 16 tháng qua có thể sẽ biến thành “một cuộc xung đột lạnh” mà ở đó những cuộc đụng độ, giao tranh cấp thấp sẽ trở thành mối đe dọa thường xuyên, cố hữu khiến phần lớn khu vực Đông Âu phải được đặt trong tình trạng báo động lâu dài.
Ông Turchynov đổ lỗi cho các binh lính Nga về những cuộc giao tranh, đụng độ mới nhất nổ ra ở miền đông Ukraine. "Hành động khiêu khích rõ ràng của Nga đang làm phương hại đến các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình", ông Turchynov cáo buộc như vậy trong một bản tuyên bố. Tuy nhiên, Moscow lâu nay kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc về việc họ đưa quân vào miền đông Ukraine.
Truyền thông Ukraine và OSCE bị lừa?
Một bản báo cáo hàng ngày của các giám sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đã đề cập đến những “cáo buộc” cho rằng lính nhảy dù Nga đang có mặt tại một kho vũ khí của lực lượng ly khai. "Một chiến binh có vũ trang đứng canh gác tại một trong các địa điểm đã tự nhận rằng anh ta và những người có mặt ở đây là thuộc một phần của sư đoàn không quân số 16 đến từ Orenburg, Liên bang Nga”, bản báo cáo của OSCE cho hay.
Phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov cam kết sẽ tìm hiểu sự thật nhưng ông này cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính xác thực của thông tin được OSCE đưa ra ở trên.
Hãng thông tấn Sputnik của Nga hôm qua khẳng định, “không có sư đoàn không quân số 16 nào trong Lực lượng Vũ trang Nga và không sư đoàn không quân nào của Nga được đặt tại khu vực Orenburg của Liên bang Nga".
Một phát ngôn viên của OSCE cho biết, ông không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết nào về những gì mà những người lính tự xưng là thuộc lực lượng Nga đã nói với nhóm của ông.
Điện Kremlin luôn khẳng định một cách chắc nịch và kiên quyết rằng bất kỳ người Nga nào bị bắt hay được nhìn thấy ở vùng chiến sự của Ukraine hoặc là những người lính đã không còn làm việc trong quân đội Nga hoặc là những tình nguyện viên không do quân đội Nga chỉ đạo.
Bộ Chính sách thông tin mới của Ukraine cho rằng, việc những chiến binh ly khai ở miền đông tự xưng là lính Nga là nhằm mục đích “làm mất uy tín của báo chí Ukraine và OSCE”.
“Tuần quyết định”
Trong lúc này, tình trạng giao tranh tiếp diễn cùng với việc chi tiêu quốc phòng tiếp tục phải đổ ra đã khiến nền kinh tế Ukraine càng thêm lao đao, loạng choạng và ngày càng phải phụ thuộc vào viện trợ từ nước ngoài.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã sắp xếp một gói cứu trợ toàn cầu trị giá 40 tỉ USD (36,5 tỉ euro) cho Kiev với điều kiện nước này phải điểu chỉnh lại để thanh toán khoản nợ hơn 15 tỉ USD trong vòng 4 năm tới.
Bộ Tài chính Ukraine cho biết, họ đã gửi cho các chủ nợ tư nhân lớn nhất của mình một lời đề nghị mới “tuân thủ nghiêm túc với các mục tiêu mà chương trình của IMF đưa ra”.
Hai bên đã mất nhiều tháng tranh cãi với nhau về việc bao nhiêu phần của khoản nợ sẽ được xóa bỏ do tình trạng cạn kiệt nguồn tiền của Kiev. “Tuần này sẽ là tuần quyết định cho các nhà đàm phán”, Bộ Tài chính Ukraine cho biết trong một tuyên bố.
"Theo lịch, Bộ Tài chính Ukraine đã mời các chủ nợ đến tham gia cuộc họp ở cấp cao nhất tại thủ đô London vào ngày thứ Năm".
Các nhà kinh tế học tin rằng, hai bên sẽ phải tìm được một giải pháp trước khi Ukraine phải thực hiện một khoản thanh toán nợ lớn khác vào ngày 23/9 tới.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc