(VnMedia) - Năm ngoái tại Nhật Bản có tới 25.000 người tự sát, tương đương mỗi ngày có 70 người tìm tới cái chết. Đó là con số khiến bất cứ ai cũng phải giật mình, nhưng ít ai hiểu được nguyên nhân sâu xa “căn bệnh” của quốc gia châu Á phát triển này!
Hôm 30/6 vừa qua, Đài truyền hình NHK, Nhật Bản dẫn lời một quan chức ngành đường sắt nước này cho biết, một hành khách 71 tuổi đã tự thiêu trên đoàn tàu cao tốc Shinkansen có khoảng 1.000 hành khách từ Tokyo đi Osaka.
Nhiều người lớn tuổi ở Nhật Bản tìm tới cái chết trong những năm gần đây |
Theo mô tả của các nhân chứng, người đàn ông lớn tuổi ở khoang đầu tiên bất ngờ đổ chất lỏng bắt cháy lên người và châm lửa, gây ra cảnh hoảng loạn trên tàu. Khi đó đoàn tàu gần tới thành phố Odawara. Vụ việc khiến toàn bộ các chuyến tàu đi lại giữa Tokyo và Osaka bị tê liệt.
Một số nhân chứng còn cho biết trước khi tự sát người đàn ông này mắt ngấn lệ xua đuổi mọi người tránh xa khỏi nguy hiểm! Câu hỏi được đặt ra là vì sao một ông lão đã ở tuổi thất thập, gần đất xa trời thay vì muốn sống quãng đời còn lại với gia đình lại muốn tìm đến cái chết đau đớn khi tưới xăng lên người?
Yếu tố lịch sử và sự cô đơn của người già
Sau vụ tự thiêu trên tàu cao tốc, báo giới nước này đã vào cuộc và tìm hiểu về cuộc sống của nạn nhân. Ông cụ sống 1 mình và hàng ngày thu nhặt phế liệu đem bán để sống qua ngày.
Hàng xóm cho hay, họ hiếm khi gặp ông lão. Mỗi khi làm về, ông giam mình trong nhà và làm bạn với chiếc TV trong căn nhà dột nát của ông. Trước ngày tự sát, những người sống lân cận nghe thấy tiếng cửa sổ vỡ ở căn nhà của ông lão.
Wataru Nishida, nhà tâm lý học thuộc Đại học Tokyo cho rằng, việc sống cô đơn, biệt lập là dấu hiệu của bệnh trầm cảm và có thể dẫn tới tự sát. “Ngày nay người ta đã quá quen với những câu chuyện người già qua đời trong căn hộ của mình. Họ đang bị lãng quên. Giới trẻ ngày nay không còn thói quen chăm sóc người già như trước đây”, ông Wataru Nishida nói.
Trước tình trạng số người tự sát tại Nhật Bản ngày một gia tăng, đứng thứ 3 trong số các nước có số người tự sát cao nhất thế giới, nhiều người cho rằng việc tự sát bắt nguồn từ quá khứ, gắn với những cuộc chiến.
Hình thức tự sát của các chiến binh Samurai xưa |
Các chiến binh Samurai xưa của Nhật Bản không bao giờ chịu đầu hàng kẻ địch hay sống trong ô nhục. Họ thường tìm đến cái chết bằng việc tự mổ bụng nhằm bảo vệ danh dự của Samurai. Hay gần đây hơn là trong thế chiến thứ 2 khi các phi công Kamikaze chở theo thuốc nổ, bom lao thẳng vào máy bay, tàu chiến của quân đồng minh để tìm cách gây ra thiệt hại lớn cho đối phương.
“Ở Nhật Bản, tự sát không phải là một tội ác. Đôi lúc tự sát còn được nhìn nhận như cách nạn nhân tự nhận trách nhiệm của mình”, nhà tâm lý học ông Wataru Nishida giải thích.
Áp lực tài chính không lối thoát
Ken Joseph, thành viên một tổ chức cứu trợ của Nhật Bản, cho biết, với hơn 40 năm kinh nghiệm của mình, ông thấy người lớn tuổi ở Nhật thường tự tìm tới cái chết khi gặp vấn đề lớn về tài chính. Đó là cách giải quyết vấn đề của họ khi không thể tìm được biện pháp khả dĩ hơn.
“Do hệ thống bảo hiểm của Nhật Bản khá lỏng lẻo, vẫn chi trả tiền bảo hiểm cho các vụ tự sát. Chính vì vậy mỗi khi lâm vào thế túng quẫn, nhiều người lại nghĩ tới cái chết và bảo hiểm sẽ giúp họ giải quyết vấn đề tài chính cho gia đình”, ông Ken Joseph tiết lộ.
Vì cách nghĩ này tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người Nhật Bản, nên một số chuyên gia cho rằng tỉ lệ tự sát tại Nhật cao hơn rất nhiều so với những con số thống kê. Thực tế cho thấy rất nhiều cái chết của người già tại Nhật Bản không được cảnh sát điều tra một cách kỹ lưỡng. Sau lễ hỏa táng, tất cả bằng chứng về một vụ tự sát đã bị xóa sạch.
Đó chưa phải là vấn đề lớn nhất với quốc gia này. Những báo cáo gần đây cho thấy độ tuổi tự sát tại Nhật Bản đang được trẻ hóa rất nhanh, nằm trong tuổi từ 20 tới 44!
Những bằng chứng gần đây cho thấy người trẻ tuổi ngày càng tìm đến cái chết nhiều hơn do mất hy vọng và không thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Số người tự sát bắt đầu tăng cao sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 và tiếp tục tái diễn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm sau đó.
Số người tự sát được cho là có liên quan trực tiếp tới tình trạng thất nghiệp sau 2 cuộc khủng hoảng tài chính. Trong khi người già vẫn được đảm bảo về công việc cùng phúc lợi xã hội tốt thì người trẻ tuổi lại không thể tìm được một công việc ổn định và dài hạn.
Văn hóa “nói không với phàn nàn”
Bên trong căn phòng của một "Hikikomori” |
Lo lắng về tài chính và bất ổn trong cuộc sống là những thứ ám ảnh với người dân xứ Phù Tang. Nó bắt nguồn từ văn hóa hết sức đặc biệt “nói không với phàn nàn” của người dân nơi đây.
“Ngay cả khi bạn tức giận, căng thẳng và chán nản cũng không có nhiều cách để giải tỏa tại Nhật Bản. Tất cả bị bó buộc trong một xã hội gắn liền với nhiều quy tắc. Những người trẻ tuổi đều phải sinh sống, làm việc theo khuôn mẫu. Họ không có cách nào để bày tỏ cảm nghĩ thực sự của mình. Đơn cử không ít người khi chịu quá nhiều áp lực công việc dẫn tới trầm cảm, họ nghĩ chỉ có cái chết mới giúp họ giải thoát”, ông Nishida dẫn chứng.
Nhật Bản là quốc gia phát triển với hạ tầng, công nghệ hàng đầu thế giới. Thế nhưng khi sống trong 1 xã hội quá phát triển lại khiến tình trạng người dân sống biệt lập ngày càng tăng. Đó là hội chứng “Hikikomori”, được định nghĩa nôm na là những người trốn tránh cuộc sống hiện tại.
Ước tính có cả triệu thanh niên Nhật Bản đang bị hội chứng này. Họ đóng cửa ở lì trong nhà cả tháng và thậm chí nhiều năm, tránh giao tiếp, hạn chế liên lạc với bạn bè và ngay cả gia đình của mình. Những người mắc Hikikomori thường cảm thấy tự ti, rằn vặt bản thân, sợ những chuyện không hay cho tương lai. Ngay cả việc quan hệ khác giới cũng không được các "Hikikomori" đoái hoài tới.
Dần dần những người này bắt đầu có vấn đề về tâm thần và hoàn toàn có thể dẫn tới những vụ tự sát khó lường trước được. Đáng tiếc là ngay cả vấn đề tâm thần ở Nhật Bản cũng ít khi được đề cập tới hoặc được nghiêm túc xem xét.
Ý kiến bạn đọc