Phương Tây lại “đánh” Nga, Trung Quốc ra tay cứu?

16:21, 31/07/2015
|

(VnMedia) - Mỹ và một loạt nước Châu Âu vừa “tung đòn” mới nhằm vào Nga. Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng. Về phần mình, Nga cũng phát đi thông điệp cảnh báo sắc lạnh.
 

Ảnh minh họa

Moscow đang "phản công" bằng lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ các nước áp đặt trừng phạt đối với Nga


Mỹ vừa tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vấn đề Crimea. Cụ thể, sẽ có thêm 11 cá nhân và 15 công ty của Nga và Ukraine bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ. Trong số những công ty mới được đưa vào “danh sách đen” lần này có những công ty con của tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga và một số tổ chức có liên quan đến một trong những ngân hàng lớn của Nga là Vnesheconombank.
 
Các biện pháp trừng phạt cũng được áp đặt đối với 5 cảng thương mại của Crimea ở một loạt thành phố gồm Sevastopol, Feodoisa, Kerch, Evpatoria, Yalta cũng như dịch vụ tàu phà Kerch.
 
Đại sứ quán Mỹ tại Nga cho biết, Washington coi những đòn trừng phạt mới không phải là một bước leo thang căng thẳng giữa hai nước mà là “một bước đi thông thường” nhằm củng cố chính sách hiện nay của Mỹ.
 
Cũng theo Đại sứ quán Mỹ, các biện pháp trừng phạt lần này không có liên quan gì đến việc Nga dùng quyền phủ quyết bác bỏ một nghị quyết về vụ MH17.
 
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ cũng nhằm vào một doanh nhân người Ukraine đến từ Donetsk – ông Oleksandr Yanukovich. Ông này là con trai của cựu Tổng thống Viktor Yanukovich – người vừa bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm ngoái.
 
Cùng với con trai của cựu Tổng thống Yanukovich, danh sách những cá nhân bị đưa vào diện trừng phạt đợt này của chính quyền Tổng thống Barack Obama còn có Bộ trưởng Môi trường thời ông Yanukovych – ông Eduard Stavytsky.
 
Một mục tiêu khác bị Mỹ nhằm vào là ông Roman Rotenberg – con trai của doanh nhân Nga Boris Rotenberg và là thành viên của ban điều hành Liên đoàn Khúc côn cầu Kontinental.
 
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng nhằm vào ngành công nghiệp vũ khí và xuất khẩu vũ khí của Nga khi đưa vào danh sách đen tập đoàn Kalashnikov.
 
Cũng trong ngày hôm qua, 7 nước Châu Âu gồm Montenegro, Albania, Iceland, Na-uy, Lichtenstein, Ukraine và Gruzia đã tái khẳng định với EU rằng họ sẽ kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Crimea và Sevastopol cho đến ngày 23/6/2016. 6 trong số 7 nước trên, trừ Gruzia, cũng tuyên bố tham gia vào quyết định được đưa ra hôm 22/7 của Liên minh Châu Âu (EU) về việc kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế lên Nga cho đến ngày 31/1 năm sau.
 
Trung Quốc lên tiếng bênh vực Nga
 
Phản ứng trước động thái mới của phương Tây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (30/7) lên tiếng cho biết, Trung Quốc không ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt trong quan hệ quốc tế.
 
"Trung Quốc luôn phản đối việc dùng các biện pháp trừng phạt và những biện pháp doạ dẫm tương tự như vậy trong quan hệ quốc tế. Chúng tôi tin rằng, đối thoại chính trị là cách duy nhất để tháo ngòi căng thẳng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
 
Về phần mình, Nga tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả đối với 7 nước vừa quyết định ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU. "Chắc chắn, các biện pháp trả đũa có thể sẽ được tung ta. Chúng tôi nói lại một lần nữa rằng nguyên tắc có đi có lại là một nguyên tắc cơ bản, có tính nền tảng”, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin – ông Dmitry Peskov cho hay.
 
Chủ tịch Hạ viện Nga Sergey Naryshkin mới đây nói rằng, Nga có các đồng minh ở Liên minh Châu Âu bất chấp việc những nước này đang phải chịu một chương trình tuyên truyền chống Nga mạnh mẽ.
 
"Trên thực tế, chúng tôi vẫn có đồng minh ở Châu Âu thậm chí ngay cả khi ở những nước đó chính phủ đang có những chính sách chống Nga mạnh mẽ nhất và đang thực hiện một chiến dịch tuyên truyền hung hăng nhất”, ông Naryshkin cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestiya ngày hôm qua. "Chúng ta đều biết, xã hội có những quan điểm và tình cảm khác nhau”.
 
Ông Naryshkin chắc chắn rằng tất cả các nước, các thành viên của EU, nếu được tạo cơ hội để được đưa ra những quyết định độc lập về chính sách trừng phạt Nga như được thực hiện từ quan điểm, lập trường của luật pháp quốc tế thì “chúng ta đã nhìn thấy một bức tranh hoàn toàn khác”.
 
"Không phải ngẫu nhiên mà EU tìm cách tránh các cuộc tranh luận về vấn đề này", Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cho biết, nói thêm rằng mọi người rồi sẽ thấy rõ chính sách của họ gây hại cho chính họ nhiều hơn là Nga.
 
"Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ được lợi nhiều hơn từ một điều rõ ràng là làm suy yếu các nước EU, tiềm năng kinh tế của EU chứ không phải từ việc cô lập Nga”, ông Naryshkin nhấn mạnh.
 
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rơi vào tình trạng xấu chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát và sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái.
 
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngầm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc