(VnMedia) - Nga cuối tuần qua vừa rồi tuyên bố, nước này sẽ cân nhắc việc tung ra các biện pháp trả đũa mới có chọn lọc nhằm vào một số quốc gia phương Tây cụ thể và Phần Lan có thể là một trong số những mục tiêu đó. Thông tin này do chính người đứng đầu cơ quan an ninh của Nga tiết lộ.
Tổng thống Putin |
Tuyên bố đầy cứng rắn trên dường như là dấu hiệu khai màn cho một cuộc đối đầu đang leo thang giữa Nga và phương Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuyên bố đó được đưa ra sau một phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga do trực tiếp Tổng thống Vladimir Putin chủ trì. Tại cuộc họp này, ông chủ quyền lực của điện Kremlin không ngần ngại lên tiếng thề sẽ kiên quyết chống trả lại mọi áp lực của phương Tây đồng thời ra lệnh cho các cấp dưới của ông vạch ra biện pháp đáp trả.
Ví dụ, Nga có thể sẽ xem xét lại những điều kiện thuận lợi mà nước này dành cho các nhà kinh doanh gỗ của Phần Lan nhằm đáp trả việc Helsinki từ chối cấp visa cho Chủ tịch Hạ viện Nga, ông Nikolai Patrushev - Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga cho hay. Ông này cũng cho biết thêm khi phát biểu trên truyền hình rằng, Nga sẽ không nhất thiết phải tung ra đòn trên nhưng muốn cân nhắc nó cùng với hàng loạt các biện pháp trả đũa khác.
Phần Lan hồi tuần trước đã bất ngờ từ chối không cho Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Naryshkin vào nước này bởi ông Naryshkin có tên trong danh sách các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU). Ông Naryshkin có kế hoạch dẫn dầu một phái đoàn đến tham dự phiên họp Quốc hội của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) và Moscow đã đáp trả lại Phần Lan bằng việc tẩy chay luôn cuộc họp đó.
Lệnh cấm đi lại đối với một số quan chức và doanh nhân Nga là một phần trong những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt lên Nga vì cáo buộc Moscow can dự vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine, thực hiện vụ sáp nhập bán đảo Crimea và kích động cuộc chiến đẫm máu ở miền đông Ukraine. Phương Tây còn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, trong đó có việc chặn đường tiếp cận vào các thị trường tài chính thế giới và cấm chuyển giao công nghệ quân sự, năng lượng cho Nga.
Moscow đã trả đũa các đòn trừng phạt của phương Tây bằng việc tung ra lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước đang áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, Tổng thống Putin cho rằng, phương Tây muốn trừng phạt Nga vì chính sách và đường lối của Nga. “Chúng tôi đang thực hiện một chính sách đối ngoại và đối nội độc lập. Chúng tôi không đánh đổi chủ quyền của mình và một số nước không thích điều đó”, ông Putin đã nói như vậy.
Tổng thống Putin chỉ ra rằng, quyết định mà EU đưa ra hồi tháng trước về việc kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga thêm 6 tháng cho đến tháng 1 năm sau và việc Mỹ cảnh báo sẽ tung ra những đòn trừng phạt mới là dấu hiệu cho thấy “chúng tôi không nên mong đợi một vài trong số những đối thủ địa chính trị của mình thay đổi lập trường thù địch trong tương lai trước mắt".
Nhà lãnh đạo Nga cho hay, Moscow nên đáp trả “bằng việc tung ra thêm các đòn trừng phạt gây ảnh hưởng sâu hơn ở mọi lĩnh vực then chốt”. Tuy nhiên, ông Putin không tiết lộ cụ thể đó là những biện pháp trừng phạt gì.
Ông chủ điện Kremlin không nêu đích danh nước nào sẽ phải hứng chịu các đòn trừng phạt mới của Nga nhưng ông Patrushev – một quan chức thân cận với Tổng thống Putin và cũng từng là một nhân viên KGB, đã thẳng thừng đổ lỗi cho Washington về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Mỹ đã dàn dựng mọi thứ ở Ukraine. Họ đã tạo ra một cuộc đảo chính và đưa giới lãnh đạo hiện nay ở Ukraine lên cầm quyền”,ông Patrushev phát biểu, ám chỉ đến làn sóng biểu tình rầm rộ ở thủ đô Kiev từ hồi cuối năm 2013 kéo dài sang năm 2014, dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych.
Ông Patrushev tin rằng, việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine dựa hoàn toàn vào Mỹ. "Nếu Mỹ có những bước đi nhằm bình thường hóa tình hình thì tình hình sẽ được bình thường hóa. Nếu Mỹ không muốn làm vậy thì tình hình sẽ tiếp tục kéo dài”, ông Patrushev cho hay.
Mỹ và EU đến lượt mình lại quay sang cáo buộc Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hậu thuẫn cho lực lượng ly khai trong cuộc chiến chống lại Kiev ở miền đông nước này. Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc này nhưng phương Tây vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có những đòn trừng phạt gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga. Moscow cũng tung đòn trả đũa. Kết quả là một “cuộc chiến trừng phạt” được châm ngòi.
Với những phát biểu qua lại giữa giới chức Nga và phương Tây trong mấy ngày qua người ta có thể thấy rằng, cuộc đối đầu Đông-Tây sẽ không dễ gì có thể chấm dứt sớm. Đúng như Tổng thống Putin đã nói, “Chúng ta không thể mong đợi một sự thay đổi trong các chính sách thù địch của một số đối thủ địa chính trị của Nga trong thời gian trước mắt”.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc