(VnMedia) - Ứng cử viên cho chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ - Tướng thuỷ quân lục chiến Joseph Dunford hôm qua (9/7) đã nói rằng Nga là mối đe doạ lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ và rằng sẽ là điều “hợp lý” để cung cấp vũ khí gây sát thương cho quân đội Kiev chống lại lực lượng ly khai được Moscow hậu thuẫn.
Ảnh minh hoạ |
"Nga đang là mối đe doạ lớn nhất đối với an ninh quốc gia của chúng ta... Nếu các bạn nhìn vào hành vi của họ, các bạn sẽ thấy lo ngại”, Tướng Dunford đã nói như vậy tại một phiên điều trần của Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi Moscow tiến hành vụ sáp nhập bán đảo Crimea và bị cáo buộc ủng hộ cho cuộc nổi dậy của quân ly khai ở miền đông Ukraine. Mỹ đã đáp trả bằng một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nhưng cho đến nay vẫn kiềm chế không cung cấp vũ khí gây sát thương cho các lực lượng của Kiev.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc Mỹ có nên cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine hay không, ông Dunford đã không ngần ngại trả lời rằng, từ quan điểm quân sự, đó sẽ là một phản ứng “hợp lý”.
"Nói thật, không có sự giúp đỡ kiểu đó, họ sẽ chẳng thể bảo vệ được chính mình trước sự xâm lược của Nga”, ông Dunford đã nói như vậy về Kiev.
Phát biểu trên của vị Tướng thuỷ quân lục chiến đã nhanh chóng nhận được sự chia sẻ, hoan nghênh của Thượng nghị sĩ John McCain.
"Ở Châu Âu, nước Nga của Tổng thống Putin tiếp tục tấn công Ukraine. Nhưng thậm chí khi quân Nga và vũ khí Nga thực hiện chiến dịch đế quốc mới nhằm làm phương hại đến chính phủ và nền độc lập của Ukraine thì Mỹ vẫn từ chối cung cấp cho Kiev những vũ khí họ cần và đáng được nhận để phòng thủ”, ông McCain phát biểu.
Ông Dunford và ông McCain nằm trong số những quan chức đại diện cho thành phần diều hâu, hiếu chiến ở Mỹ. Các thành phần này liên tiếp kêu gọi, thúc ép Tổng thống Obama cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để thay đổi thế trận hiện nay ở miền đông Ukraine.
Chính quyền Kiev và các đồng minh phương Tây từ lâu đã luôn cáo buộc Moscow đưa vũ khí và binh lính vào miền đông Ukraine để trợ giúp cho lực lượng ly khai. Không ít lần báo chí phương Tây đưa tin Nga rầm rộ đưa hàng chục nghìn quân và rất nhiều vũ khí đến miền đông Ukraine để tham gia cuộc chiến với quân đội Kiev. Kiev và phương Tây tin rằng, chính nhờ có sự hậu thuẫn của Nga mà lực lượng ly khai mới có thể đảo ngược tình thế trên chiến trường, khiến Kiev buộc phải tìm kiếm một thoả thuận hoà bình thay vì thúc đẩy chiến dịch đàn áp quân sự.
Tuy nhiên, Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc như trên. Nga khẳng định nếu thực sự nước này đưa hàng chục nghìn quân và một lượng lớn vũ khí vào miền đông Ukraine như lời phương Tây tố cáo thì họ chẳng thể che giấu được một lực lượng “khủng” như vậy ở một vùng đất nhỏ như miền đông Ukraine dưới sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của một loạt hệ thống tinh vi của Mỹ.
Bất chấp sự phản bác của Moscow, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Nga, khiến Nga có lúc lao đao, loạng choạng.
Điều đáng nói hơn cả là giới chức diều hâu của Mỹ nhiều lần lên tiếng kêu gọi và cả gây sức ép đòi chính quyền của Tổng thống Obama cung cấp vũ khí sát thương cho đồng minh để đảo ngược tình thế theo hướng có lợi cho quân đội Kiev. Những thành phần ủng hộ mạnh mẽ cho việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev tin rằng, nếu không làm thế thì cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ không thể giải quyết được và Nga sẽ tiến vào chiếm đóng miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama cùng lãnh đạo các nước Châu Âu cũng như giới phân tích tin rằng, nếu Mỹ tiến hành cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev thì đây sẽ là một quyết định sai lầm. Quyết định đó không những không giúp đem đến một cái kết có hậu cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cuộc chiến ở miền đông nước này mà còn làm trầm trọng thêm tình hình ở quốc gia Đông Âu và có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột thực sự nguy hiểm giữa Nga với Mỹ và phương Tây.
Nếu được Mỹ cung cấp vũ khí sát thương, chính quyền Kiev đương nhiên là sẽ đẩy cao chiến dịch đàn áp miền đông, khiến cuộc chiến ở khu vực này thêm đẫm máu và tổn thất. Như vậy, triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ không còn.
Ngoài ra, việc Mỹ “tiếp tay” cho Kiev thông qua việc cung cấp vũ khí thiện chiến sẽ lôi kéo Nga vào cuộc. Moscow đương nhiên sẽ không ngồi yên nhìn Kiev và phương Tây “vùi dập” miền đông. Nga chắc chắn sẽ đáp trả bằng việc cung cấp vũ khí và binh lính cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine lên cao trào, Mỹ và Nga rất có thể sẽ “tham chiến”. Đây là cơn ác mộng thực sự.
Nhận thức rõ thực tế trên, Tổng thống Obama đến nay vẫn kiên quyết từ chối phương án cung cấp vũ khí sát thương cho đồng minh, khiến Kiev không tránh khỏi cảm giác thất vọng.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc