(VnMedia) - Những thiết bị và đạn dược thu được từ IS gần đây cho thấy, tổ chức khủng bố này đang bắt đầu nghiên cứu và đưa vũ khí hóa học vào chiến trường Iraq và Syria. Đây là tin tức khiến cộng đồng thế giới không khỏi lo ngại vì sự nguy hiểm của loại vũ khí này.
Sự hiện diện của loại vũ khí gây chết người hàng loạt
Hôm qua (19/7), 2 cơ quan có trụ sở tại Anh gồm Cơ quan nghiên cứu xung đột quân sự (CAR) và Saha đã cử các chuyên gia của mình tới những khu vực ghi nhận bị tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dùng loại vũ khí "lạ" tấn công hồi tháng trước.
Quả đạn pháo rỉ chất màu vàng đục có mùi khó chịu |
Đó là khu vực thuộc 2 tỉnh Tel Brak và Hasakah, phía bắc Syria, nơi IS đang giao tranh với lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG). Địa điểm còn lại là khu vực đập Mosul tại Iraq. Đây cũng chính là nơi YPG thu giữ được một quả đạn pháo 120mm chưa nổ và có dấu hiệu bất thường.
Giám đốc CAR James Bevan cho biết, ngay sau khi nhận được tin, cơ quan này đã cử chuyên gia tới khu vực đập Mosul để tiếp cận vũ khí này. Tại hiện trường, quả đạn pháo đang rỉ ra một chất lỏng màu vàng đậm có mùi rất khó chịu. Bất cứ ai tiếp xúc, không đeo thiết bị phòng hộ đều cảm thấy buồn nôn và đau đầu. Ông Bevan nghi ngờ đó có thể là chất clo
Dù vậy, CAR vẫn quyết định lấy mẫu chất lỏng này để xét nghiệm thêm. Một quan chức của Hội đồng an ninh người Kurd khẳng định với hãng tin CNN, trước đây IS từng không ít lần sử dụng vũ khí hóa học này để đối phó với các chiến binh người Kurd Peshmerga.
Trong khi đó, tại Syria, một nhóm chuyên gia cũng đã tiếp cận được với loại vũ khí được IS sử dụng để tấn công nhóm YPG tại 2 tỉnh Tel Brak và Hasakah ngày 28/6. Đại diện YPG cho biết, một số binh sỹ có triệu chứng mất kiểm soát, tê liệt người và rối loạn đầu óc sau đợt tấn công của nhóm khủng bố.
9 ngày sau vụ tấn công kể trên, nhóm chuyên gia thu giữ nhiều mảnh vỡ tại khu vực giao tranh. Điều đáng nói là chất lạ vẫn bốc mùi nồng nặc gây ra đau mắt và họng cho bất cứ ai tới gần.
IS đang thử nghiệm vũ khí hóa học!
CAR với hàng chục nhân viên hoạt động tại Syria và Iraq trong hơn 1 năm qua đã thu thập và ghi nhận rất nhiều loại, kết cấu vũ khí khác nhau được nhóm khủng bố IS sử dụng tại 2 quốc gia này.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, tổ chức ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học quốc tế (OPCW) cho biết, họ chưa nhận được báo cáo chính thức từ CAR nhưng nhấn mạnh bất cứ cá nhân, tổ chức nào chế tạo vũ khí dựa trên độc tính của hóa học đều vi phạm "hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hóa học".
Trước đó, tổ chức khủng bố này đã cho công bố những hình ảnh khẳng định chúng đã tự sản xuất kết cấu tên lửa mang tên Katyusha tại các căn cứ bí mật gần Baghdad. Chúng rêu rao và đe dọa sẽ đánh bại quân đội chính phủ và lực lượng chống đối bằng loại vũ khí này.
Chưa rõ tính xác thực của tuyên bố này tới đâu nhưng nếu IS có thể chế tạo tên lửa cùng với việc kết hợp sử dụng vũ khí hóa học, thì đó sẽ là mối đe dọa thực sự với an ninh Iraq và Syria cũng như liên quân.
"Bóng ma" trong quá khứ!
Lực lượng người Kurd mới đây khẳng định, họ có bằng chứng xác thực việc IS từng sử dụng vũ khí hóa học trong 1 năm trở lại đây. Cụ thể hồi tháng 9/2014, cả chục binh sỹ Iraq đã bị liệt và tàn phế sau khi bị ảnh hưởng bởi vụ nổ bom có chứa clo tại thị trấn Balad.
Đám khói màu vàng xuất hiện tại Tikrti sau vụ tấn công của IS |
Hồi tháng 1/2015, IS trong nỗ lực chiếm lại con đường huyết mạch tại Mosul đã tiến hành liên tiếp các vụ đánh bom tự sát nhắm vào lực lượng YPG. Theo đó, chúng sử dụng xe chở theo hàng chục thùng đựng chất hóa học và thuốc nổ lao thẳng vào các chốt an ninh của YPG. Vụ tấn công khiến rất nhiều binh sỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc này.
Mới đây nhất, tháng 3/2015, khi nhóm khủng bố IS bị đánh bật khỏi thành phố Tikrit, chúng đã cho kích nổ bom và những thước phim ghi lại sau đó cho thấy những đám khói màu vàng bốc lên từ vị trí này.
Thực chất vũ khí hóa học, chủ yếu là Clo nhét vào trong bom, đạn pháo, thuốc nổ được lực lượng nổi dậy tại Iraq sử dụng từ năm 2006 để chống lại quân đội Mỹ. Vụ tấn công tiêu biểu nhất là vào năm 2007 khi một kẻ liều chết đã lao chiếc xe tải chứa thuốc nổ và chất hóa học vào binh sỹ Mỹ, khiến 20 người thiệt mạng. Hàng chục người khác phải nhập viện để điều trị nhiễm chất hóa học clo.
"Nếu nhóm IS cảm thấy loại vũ khí này phát huy tác dụng thì chắc chắn chúng sẽ tái sử dụng trong tương lai. Đó là điều liên quân cần thận trọng và tìm cách đối phó vì đó là loại vũ khí vô cùng nguy hiểm", người đứng đầu CAR nói.
Ý kiến bạn đọc