Khủng hoảng Hy Lạp "vạch trần" yếu kém của châu Âu

08:23, 12/07/2015
|

Vượt qua rất nhiều tranh cãi, cuối cùng thì các nhà lãnh đạo châu Âu cũng dành cho Hy Lạp thời hạn chót đến ngày 12/7 để đạt được một thỏa thuận cứu trợ kinh tế mới nhằm tránh phải ra khỏi Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone), sau khi các cử tri Hy Lạp phản đối kế hoạch của các chủ nợ quốc tế trong cuộc trưng cầu dân ý được Athens tổ chức ngày 5/7 vừa qua.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã và đang phơi bày cho cả thế giới thấy những yếu kém của lục địa già.
Bóng ở sân của Hy Lạp

Tình hình tại Hy Lạp hiện đang rất tồi tệ. Các ngân hàng không còn khả năng thanh toán tiền mặt đã không thể mở cửa. Người dân tại Thủ đô Athens thức dậy và chứng kiến thực tế ảm đảm: các ngân hàng đóng cửa, rất nhiều người xếp hàng dài trước các máy rút tiền tự động (ATM) để rút tối đa không quá 60 Euro/ngày và họ luôn lo sợ rằng các máy ATM này cũng sẽ sớm hết tiền.

Ảnh minh họa

Sau khi các lãnh đạo Eurozone tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 7/7, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Donald Tusk cho biết bước đi đầu tiên mà Chính phủ cánh tả của Hy Lạp cần thực hiện là đệ trình các kế hoạch cải cách chi tiết vào ngày 9-7. 

Sau đó, tất cả lãnh đạo 28 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét các kế hoạch này vào ngày 12-7 tại một hội nghị thượng đỉnh quan trọng - nơi sẽ đưa ra quyết định sẽ cứu nền kinh tế “đang hấp hối” của Hy Lạp, hay để mặc nó cho số phận. Ông Tusk phát biểu trong một cuộc họp báo: “Tôi phải nói rõ ràng rằng, hạn chót cuối cùng sẽ là trong tuần này. Nếu không thể tìm ra một thỏa thuận thì có thể Hy Lạp sẽ phá sản và hệ thống ngân hàng của nước này không thể trả được nợ”.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng nếu Athens đưa ra những đề xuất hợp lý và chủ động thực hiện trước các hành động như cho thông qua một số điều luật nhằm làm yên lòng các chủ nợ thì Hy Lạp có thể sẽ nhận được hỗ trợ tài chính ngắn hạn nhằm giúp Athens vượt qua mùa hè này. Thủ tướng Đức không loại bỏ khả năng kéo dài thời gian trả nợ cho Hy Lạp. Tuy nhiên, bà khẳng định rằng việc xóa nợ cho Hy Lạp là điều không thể bởi vì làm như vậy là không hợp pháp. 

Bà Merkel tuyên bố rõ ràng rằng mọi chuyện phụ thuộc vào việc ông Tsipras có đưa ra những đề xuất thuyết phục hay không sau khi Athens từ chối tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, giảm trợ cấp và thực hiện các cải cách lao động - những vấn đề đã được đưa ra bàn đàm phán trước khi gói cứu trợ trị giá 240 tỷ Euro hết hạn vào tuần trước. 

Trong khi đó, Thủ tướng Italia Mattero Renzi thì tuyên bố rằng: “Bóng đang ở sân của Hy Lạp”, đồng thời gọi hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra ngày 12-7 là: “Cuộc họp cuối cùng bàn về Hy Lạp”. Ông Renzi nhấn mạnh, quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Âu đã trở nên cứng rắn hơn kể từ sau khi các cuộc đàm phán trước đây bàn về cứu trợ kinh tế Hy Lạp bị sụp đổ hồi cuối tháng 6-2015. 

Hạn chót 12-7 được đưa ra sau khi ông Tsipras và Bộ trưởng Tài chính mới của ông là Euclid Tsakalotos tới Brussels để thảo luận về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua tại Hy Lạp. Hơn 61% cử tri Hy Lạp bác bỏ các yêu cầu của những chủ nợ về việc thực hiện thêm các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy các khoản cứu trợ kinh tế mới từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). 

Thủ tướng Tsipras nói rằng Hy Lạp sẵn sàng “nỗ lực” để đạt được một thỏa thuận “khả thi” nhằm đảo bảo chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ này. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp vừa qua là một chiến thắng chính trị đối với ông Tsipras, người lên nắm quyền từ tháng 1-2015 nhờ vào những cam kết sẽ chấm dứt 5 năm thực hiện cách biện pháp tài chính khắc khổ để đổi lấy cứu trợ kinh tế. 

Thế tiến thoái lưỡng nan của châu Âu 

Tuy nhiên, kết quả này lại làm các nhà lãnh đạo châu Âu khác tức giận và tạo ra một đòn giáng vào mong muốn hội nhập của châu Âu mà trong đó Eurozone là một phần rất quan trọng. Hiện ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về khả năng Hy Lạp có thể bị buộc phải rời khỏi Eurozone - cú sốc lớn không chỉ đối với châu Âu mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới. Giới phân tích cho rằng châu Âu đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa việc trao cho Hy Lạp một cơ hội nữa hay loại nước này ra khỏi Eurozone và đối mặt với nguy cơ khủng hoảng toàn cầu sau khi đa số cử tri Hy Lạp bỏ phiếu phản đối những điều kiện của các chủ nợ quốc tế.

Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, cả Đức, Pháp và EU đều cảnh báo rằng lá phiếu “KHÔNG” đồng nghĩa với việc nói “Không” với đồng tiền chung và sự trở lại của đồng Drachma. Một số nhà phân tích cho rằng, thực tế khắc nghiệt của khả năng “Grexit” - Hy Lạp ra khỏi Eurozone - có thể khiến một số nhà lãnh đạo đồng tình với Thủ tướng Tsipras rằng kết quả gây sốc này không nhất thiết đồng nghĩa với việc Hy Lạp “đoạn tuyệt” quan hệ với châu Âu. 

Chuyên gia Nicolas Veron của Viện Bruegel ở Brussels nhận định: “EU sẽ cho Hy Lạp một cơ hội nữa, nhưng hiện chỉ còn rất ít thời gian và đây thực sự sẽ là cơ hội cuối cùng”. Ông cho rằng việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro gồm 19 quốc gia sẽ xảy ra “cực kỳ chóng vánh” nếu không nhanh chóng đưa ra hành động. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý - phản đối việc tiếp tục thắt lưng buộc bụng sau 5 năm khắc khổ ở Hy Lạp - là một sự bất ngờ với nhiều chính phủ châu Âu, bởi “nhiều người đã cho rằng biện pháp khắc khổ này là hợp lý”.

Các chủ nợ đang đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa một bên là cố gắng tránh nguy cơ “lan truyền” của việc Hy Lạp rời khu vực đồng Euro - đi kèm các hệ quả tiêu cực đến chính trị và biểu tượng của Eurozone khi mất đi một quốc gia mang tính lịch sử của châu Âu, và một bên là tiếp tục thúc ép các biện pháp khắc khổ. 

Kể từ khi thắng cử hồi tháng 1-2015, chính quyền cánh tả cực đoan dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Tsipras và đảng Syriza đã tranh cãi kịch liệt với các chủ nợ về biện pháp chống thắt lưng buộc bụng cứng rắn. Các cuộc đàm phán đã “đổ bể” tuần trước khi Eurozone từ chối tiếp tục gói cứu trợ tài chính cho Hy Lạp sau ngày 30-6-2015 và hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy 18 quốc gia thành viên còn lại trong Eurozone sẽ sẵn sàng thỏa hiệp.

Những rủi ro địa chính trị Nếu như Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone, châu Âu sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro địa chính trị. Trước tiên là những rủi ro như như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại khi cuộc khủng hoảng Hy Lạp mới manh nha. Ông Obama cho rằng cuộc khủng hoảng này không chỉ gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính toàn cầu, sự thống nhất và đoàn kết của EU, mà còn đe dọa hệ thống chỉ huy quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại miền Đông Địa Trung Hải. Mối lo ngại trước mắt của Mỹ là căn cứ quân sự Souda đặt trên đảo Crete của Hy Lạp. 

Đây là “đại bản doanh” của Hạm đội 6 hải quân Mỹ. Căn cứ này nằm gần bờ biển của Syria, Jordan, Liban và Israel, nên nó sẽ giúp Mỹ can thiệp nhanh chóng trong trường hợp có xung đột. Trong chiến dịch can thiệp vào Libya năm 2011, chính căn cứ quân sự Souda là nơi xuất phát của các phi đội F16 của Mỹ, đồng thời khoảng 400 lính thủy đánh bộ của Mỹ cũng được phái đến đó, sẵn sàng can thiệp nếu cần. Tổng thống Mỹ dĩ nhiên không muốn cơ sở chiến lược này bị đe dọa. 

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras từng nói rằng, khi tỏ thái độ không khoan nhượng với Athens về kinh tế, châu Âu đã đánh giá thấp nguy cơ toàn khu vực rơi vào tình trạng bất ổn nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone. Giáo sư Địa - Chính trị Georges Prevelakis của trường Đại học Paris I, đã ngỏ ý lấy làm tiếc rằng ngay từ đầu, vấn đề địa chính trị đã không được châu Âu quan tâm. 

Theo ông, nếu đảm bảo cho Hy Lạp ổn định về chính trị và có nền kinh tế vận hành hiệu quả, điều đó sẽ giúp ổn định khu vực và châu Âu hóa khu vực Balkan. Tuy nhiên, hiện giờ, Hy Lạp lại đang bị Balkan hóa”. Tại Balkan, vốn bao gồm các nước yếu, Nga đang cố gắng thúc đẩy những “con tốt” của mình ở Serbia và tại khu vực người Serbia ở Bosnia-
Herzegovina. 

Các phong trào thánh chiến cũng ra sức tuyển mộ chiến binh ở khu vực này, nơi có những cộng đồng Hồi giáo đông đảo. Bà Sia Anagnostopoulou, thuộc đảng cánh tả Syriza đồng thời là Giáo sư sử học tại trường Đại học Pandeion ở Athens, khẳng định rằng sự ổn định của Hy Lạp đóng vai trò quan trọng vì đây là “quốc gia dân chủ duy nhất theo truyền thống châu Âu trong một khu vực mà phía Bắc bị chủ nghĩa dân tộc ở vùng Balkan đe dọa, phía Nam đối mặt với tình trạng thụt lùi dân chủ ở Bắc Phi, phía Đông phải chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ trên đà cực đoan hóa về tôn giáo và vùng Trung Đông đầy lửa và máu”.


(theo ANTĐ)

Ý kiến bạn đọc