EU hứng đòn chí tử từ người nhà

10:57, 06/07/2015
|

(VnMedia) - Pháp và Đức kêu gọi triệu tập một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp giữa lãnh đạo các nước thuộc khu vực euro sau khi Hy Lạp vừa tung đòn choáng váng, khiến Liên minh Châu Âu không khỏi choáng váng, loạng choạng.
 

Ảnh minh họa

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp khiến EU bị sốc.


Hy Lạp đã khiến các nước EU không khỏi kinh ngạc và sốc khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở nước này diễn ra ngày hôm qua (5/7) cho thấy, đa phần người dân Hy Lạp từ chối tuân theo các điều kiện được đưa ra để nhận được gói cứu trợ tài chính. Việc Hy Lạp thản nhiên nói “không” với gói cứu trợ của EU đã khiến liên minh này đi từ cảm giác sốc, choáng váng đến tức giận và đang có ngày càng nhiều lời kêu gọi về việc cắt đứt sợi dây lỏng lẻo giữa Athens với khu vực đồng tiền chung châu Âu.
 
“Phó tướng” của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, Athens đã phá vỡ hoàn toàn mọi hy vọng về một sự thoả hiệp với các đối tác trong khu vực đồng euro khi đa số người dân Hy Lạp bỏ phiếu bác bỏ việc tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng hơn nữa.
 
Nữ Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã hội ý qua điện thoại với nhau và hai nhà lãnh đạo này sẽ có cuộc gặp ở thủ đô Paris vào chiều ngày hôm nay (6/7) để tìm kiếm một phản ứng chung đối với diễn biến bất ngờ từ Hy Lạp. Đáp lại những lời kêu gọi về việc cắt đứt sợi dây lỏng lẻo giữa Hy Lạp với EU, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã thông báo rằng, giới lãnh đạo khu vực euro sẽ có cuộc gặp ở thủ đô Brussels của Bỉ vào tối ngày mai (7/7), lúc 16h GMT (tức 23h theo giờ Hà Nội).
 
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel – lãnh đạo đảng đối tác trong liên minh cầm quyền của bà Merkel, cho hay, rất khó để có thể nghĩ đến những cuộc đàm phán mới về việc cho Athens vay thêm nhiều tỉ sau khi Hy Lạp đã bỏ phiếu chống lại việc thắt lưng buộc bụng hơn nữa.
 
Thủ tướng theo cánh tả của Hy Lạp – ông Alexis Tsipras đã "phá vỡ những cây cầu cuối cùng mà trên đó Hy Lạp và Châu Âu có thể tiến tới một phương án thoả hiệp", ông Gabriel cho tờ nhật báo Tagesspiegel biết.
 
Những phát biểu trên của vị quan chức cấp cao người Đức đã phản ánh một thực tế là ngày càng có nhiều người dân ở Đức – quốc gia quyền lực nhất EU và cũng là chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, kêu gọi và yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Merkel loại Athens ra khỏi khu vực đồng tiền chung gồm 19 thành viên.
 
Không rõ liệu bà Merkel – người liên tục khẳng định muốn giữa Hy Lạp trong khu vực đồng euro, có thay đổi quyết đinh, chuyển hướng sang lập trường cứng rắn như đa phần người dân Đức hiện nay hay không.
 
Tuy nhiên, giới nghị sĩ cấp cao trong liên minh bảo thủ của nữ Thủ tướng Merkel đã phát biểu một cách cứng rắn và kiên quyết rằng: "Bây giờ, người ta cần phải đặt câu hỏi liệu Hy Lạp có tốt hơn, khấm khá hơn khi đứng ngoài vùng euro hay không. Không may là Hy Lạp đã chọn con đường cô lập”, nghị sĩ Đức Hans Michelbach phát biểu.
 
Cuộc bỏ phiếu ở Hy Lạp đã khoét sâu mâu thuẫn, sự khác biệt giữa một bên là số ít những nước còn lại ủng hộ Hy Lạp, chủ yếu là Italia và Pháp, và bên kia là những nước có lập trường cứng rắn do Đức dẫn đầu. Bên có lập trường cứng rắn được cho là đã quá chán nản với việc phải rót thêm nhiều khoản vay cho Hy Lạp.
 
Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni cho hay, khu vực đồng euro nên tiếp tục nỗ lực để đạt được một thoả thuận với Athens.
 
"Đây là thời điểm thích hợp để khởi động lại những nỗ lực nhằm tìm kiếm một thoả thuận. Nhưng sẽ không có lối thoát khỏi mớ bòng bong Hy Lạp với một Châu Âu yếu kém không tiếp tục phát triển”, ông Gentiloni đã bình luận như vậy.
 
Sự im lặng từ Brussels
 
Đồng euro đã sụt giảm giá nhanh chóng trong phiên giao dịch sớm ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương  ngày hôm nay (6/7), mất khoảng 1,4% so với đồng đô la Mỹ. Giới phân tích của Citi, Barclays và các ngân hàng khác tin rằng, vấn đề Hy Lạp là nguyên nhân của sự sụt giảm nói trên.
 
Trong khi đó, có một sự im lặng tiềm ẩn nhiều “sóng gió” đang diễn ra trong giới các nhà lập chính sách hàng đầu của EU ở Brussels và Frankfurt. Các nhà lập chính sách này đã hội ý với nhau nhưng đang tránh xuất hiện trước công chúng để đưa ra những lời bình luận về kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp – một kết quả gây ra sự thụt lùi đáng kinh ngạc cho EU nhưng lại khiến những thành phần hoài nghi về EU phấn khích.
 
Uỷ ban Châu Âu cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn rằng, họ sẽ “quan tâm và tôn trọng” kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp.
 
Ông Jeroen Dijsselbloem – Chủ tịch của nhóm các bộ trưởng tài chính của khu vực euro, đã nói trong một bức thư gửi các thành viên của Đảng Lao động Hà Lan trước cuộc bỏ phiếu rằng: "Mặc dù chính phủ ở Athens muốn mọi người nghĩ khác đi nhưng đang có câu hỏi về việc liệu Hy Lạp có ở lại khu vực đồng euro nữa hay không”.
 
Chủ tịch Quốc hội Châu Âu Martin Schulz cho rằng, EU nên bắt đầu chuẩn bị một chương trình viện trợ nhân đạo cho Hy Lạp.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc