(VnMedia) - Chiến dịch của Tổng thống Barack Obama nhằm cô lập Nga đang thất bại, khi sự phản đối của người Châu Âu đối với các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đang tăng lên từng ngày. Đây là nhận xét vừa được Chủ tịch Quốc hội Nga cho biết trong một bài báo được phát hành hôm thứ Hai đầu tuần (29/6).
Ảnh minh hoạ |
“Lời kêu gọi của Tổng thống Obama về việc cô lập Nga rõ ràng không giành được sự chú ý giống như các dự án được yêu thích của ông là Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp ước Xuyên Đại Tây Dương”, ông Sergei Naryshkin đã viết như vậy trong bài báo được đăng tải trên tờ báo chính thức Rossiiskaya Gazeta.
Theo Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Quốc hội Nga), mặc dù Liên minh Châu Âu (EU) mới đây thậm chí đã một lần nữa ra quyết định kéo dài thời hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng sự phản đối đối với chính sách trừng phạt Nga của EU đang tăng lên từng ngày ở nhiều nước thành viên thuộc liên minh.
“Lý do của sự phản đối đó rõ ràng là: Người Châu Âu chẳng đạt được điều gì từ những biện pháp trừng phạt gây tổn hại đó”, ông Naryshkin cho hay, đồng thời nói thêm rằng các chính phủ phương Tây đang nhận thấy mình bị đặt vào tình thế khó khăn để chứng minh sự cần thiết của chính sách đối đầu và cô lập Nga.
EU trên thực tế đã theo chân Mỹ trong chiến dịch đối đầu và trừng phạt Nga. Tuy nhiên, giờ đây, liên minh Châu Âu đang đứng ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục dấn tới trong cuộc đối đầu với Nga, EU tiếp tục phải hứng chịu tổn thất, thương đau ngày càng cao. Tuy nhiên, nếu lùi bước vào thời điểm này, EU không tránh khỏi việc cảm thấy “bẽ mặt”.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine bùng lên cách đây hơn một năm, Nga đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch đối đầu chưa từng có của phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam nước này. Dù cho Nga kiên quyết và thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc và phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục chứng minh cho các cáo buộc của họ, phương Tây vẫn tìm cách bao vây, dồn ép và bóp nghẹt Nga trên mọi mặt trận, từ kinh tế, tài chính, quân sự đến thông tin, tuyên truyền.
Thực ra, EU ban đầu không hề muốn tham gia vào chiến dịch chống lại Nga - đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của họ. Khi Mỹ “giương cao ngọn cờ hiệu triệu” các nước liên kết thành một mặt trận thống nhất ra đòn trừng phạt Nga, EU vẫn còn lưỡng lự, chần chừ và đắn đó.
Hơn ai hết, EU hiểu rất rõ về mối quan hệ gắn bó giữa liên minh này với Nga. EU hiểu rằng, nếu họ “tung đòn” với đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của mình thì chính họ cũng sẽ phải chịu tác động của đòn “gây ông đập lưng ông”.
Tuy nhiên, dưới sức ép không ngừng và quyết liệt của Mỹ - siêu cường số 1 thế giới và cũng là đối tác số 1 của Châu Âu cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao lẫn quân sự, EU đã không còn cách nào khác là phải theo chân Mỹ “tuyên chiến” với Nga bằng các biện pháp trừng phạt. Những đòn trừng phạt của EU tăng dần về cấp độ khắc nghiệt khi nhằm vào những ngành kinh tế then chốt của Nga như ngân hàng, năng lượng và quân sự.
Không thể phủ nhận thực tế là các đòn trừng phạt đó đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga, khiến nền kinh tế Nga lao đao, loạng choạng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại.
Chính sách trừng phạt mà Mỹ và EU đưa ra nhằm mục đích là khuất phục Nga phải thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, kết quả mà Liên minh Châu Âu nhận được thực sự có thể miêu tả là “một quả đắng”.
Không những không khiến Nga khuất phục, EU còn phải hứng chịu đòn trả đũa có ảnh hưởng lớn không kém. Vừa thấm “đòn đau” từ ảnh hưởng “gậy ông đập lưng ông” của chính sách trừng phạt Nga, EU vừa phải chịu “đau đớn” từ đòn trả đũa của Moscow. Kết quả là EU phải đối mặt với rất nhiều tổn thất về kinh tế. Điều này có thể được thấy rất rõ qua hàng loạt con số được công bố trong vài tháng trở lại đây.
Trong khi đó, Mỹ - nước dẫn dắt EU trong cuộc đối đầu với Nga, hầu như không bị hề hấn gì. Thậm chí, Mỹ còn đang được hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế đang phát triển với Nga.
Nhìn vào thực tế trên, rõ ràng EU đang bị đẩy vào một tình huống đầy bẽ bàng và cũng khó xử không kém. Trong bối cảnh như này, những tiếng nói chống lại chính sách trừng phạt Nga lại càng trở nên mạnh hơn, quyết liệt hơn từng ngày. Nhiều chính khách, giới chuyên gia đang sốt ruột kêu gọi đối thoại, nối lại quan hệ với Nga. Rõ ràng, nếu tiếp tục theo đuổi chính sách đối đầu, chống lại Nga, EU sẽ tiếp tục chịu thua thiệt. EU và Nga sẽ suy yếu đi trong khi Mỹ mạnh lên.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc