(VnMedia) - Các nhà khoa học đang ngày càng lo ngại trước việc những dự án bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thuộc Biển Đông đang gây ra sự tàn phá, tổn hại nghiêm trọng đến một trong những hệ thống dải san hô ngầm quan trọng nhất ở Đông Nam Á.
Ảnh minh họa |
Việc Trung Quốc sử dụng cát nạo vét và san hô để xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên 7 bãi san hô, đá ngầm cũng gây tổn hại đến các hệ thống san hô ở những nơi vượt ra xa cả các dự án xây dựng trái phép của họ. Điều này có nghĩa là khu vực bị ảnh hưởng có thể lớn hơn người ta tưởng lúc đầu, nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh chụp quần đảo Trường Sa cho biết.
Sự quan ngại nói trên đối lập hoàn toàn với những phát biểu được giới chức Trung Quốc liên tục đưa ra, theo đó Bắc Kinh cam kết bảo vệ các bãi san hô, bãn đá và rộng hơn là cả môi trường biển ở Biển Đông đúng như quy định được đưa ra trong các công ước của Liên Hợp Quốc.
Ông John McManus - một nhà nghiên cứu sinh vật học dưới biển của trường Đại học Miami nổi tiếng và từng tham gia nghiên cứu Biển Đông cùng các nhà khoa học Philippines, đã nói với những người đồng nghiệp của mình rằng, hoạt động bồi đắp của Trung Quốc “đang làm mất đi mãi mãi những khu vực dải san hô với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người”.
Vượt ra xa ngoài những tiền đồn mà Trung Quốc đang xây dựng, một khu vực rộng hơn các bãi san hô đã bị phá hủy bởi việc nạo vét cát để xây dựng đảo mới, ông McManus cho biết trên diễn đàn hải dương học trên mạng của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ - một cơ quan liên bang.
Mới đây, hôm 24/6, ông McManus đã kêu gọi những nước có tranh chấp ở Biển Đông hãy gạt sang một bên tranh chấp của họ và tạo ra một “công viên hòa bình” trên biển để bảo vệ những gì còn lại.
Hầu hết những lời chỉ trích Trung Quốc liên quan đến vấn đề xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông là tập trung vào việc nước này gây ảnh hưởng đến hoạt động tự do hàng hải, đặc biệt kể từ khi những tiền đồn mà Bắc Kinh xây dựng trái phép được tuyên bố là có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Philippines công khai cáo buộc Trung Quốc gây ra sự tổn hại về mặt sinh thái. Hồi đầu tuần, Manila cho biết, hoạt động bồi đắp của Trung Quốc mỗi năm gây tổn thất về kinh tế lên tới 281 triệu USD đối với các quốc gia ven biển trong khu vực. Khi được đề nghị bình luận về nỗi quan ngại của các nhà khoa học, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã dẫn một tuyên bố hồi tuần trước của Cục Hải Dương Nhà nước Trung Quốc cho biết, họ đang thực hiện một loạt biện pháp bảo vệ môi trường.
"Ảnh hưởng đối với dải san hô chỉ ở trong một vùng nhất định, tạm thời, có thể kiểm soát và có thể khôi phục”, Cục Hải Dương Nhà nước Trung Quốc đã nói như vậy.
Theo con số được Mỹ cung cấp, Trung Quốc đã bồi đắp được khoảng 800 héc ta đảo nhân tạo (tương đương 8km) kể từ khi nước này bắt đầu hoạt động trái phép nói trên vào cuối năm 2013.
Mặc dù dải sản hô ở quần đảo Trường Sa tương đối nhỏ so với các hệ thống san hô lớn khác trên toàn cầu nhưng chúng được đánh giá là có sự phong phú, đa dạng về sinh học và có thể nhân giống những loài san hô quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, các nhà khoa học cho biết.
Quần đảo Trường Sa cũng là nhà của những loài sinh vật biển đang bị đe dọa như con trai khổng lồ, các nược và nhiều loài rùa.
Trong nghiên cứu hồi tháng 4 của Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, chuyên gia về khoa học biển và luật biển - bà Youna Lyons phát hiện, ngoài 7 bãi đá và bãi san hô, các khu vực bãi cạn chưa bị chiếm đóng khác đã bị nạo vét để cung cấp nguyên vật liệu cho các hoạt động bồi đắp bên cạnh đó.
"Những bãi san hô không bị ai động chạm đến trong suốt nhiều thế kỷ và gần như được cách ly giờ đây đã biến mất”, ông Lyons cho biết sau khi nghiên cứu những hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao.
Bà Lyons đến từ Đại học Quốc gia Singapore cho hay, từ đó đến nay, bà đã có thêm bằng chứng về những hoạt động nạo vét kiểu Trung Quốc ở các bãi san hô khác nhưng đang muốn tìm hiểu rõ thêm về việc chuyện gì đang xảy ra và ai đứng sau các hoạt động đó.
"Quy mô của các hoạt động nạo vét ở những khu vực san hô chưa có người sinh sống và biệt lập ở Biển Đông đang ở mức độ và bản chất chưa từng có trong lịch sử loài người. Trung Quốc dương như phải chịu trách nhiệm về sự phá hủy trên diện rộng đó nhưng chúng tôi chưa đánh giá được mức độ tàn phá đã ở cấp độ nào", bà Lyons nói thêm.
Trong khi đó giới chức Trung Quốc vẫn khăng khăng nói rằng những thứ mà họ xây dựng trái phép ở Biển Đông là để giúp cho việc bảo vệ môi trường cùng với việc phục vụ cho hoạt động giám sát thời tiết và tìm kiếm, cứu hộ.
"Không ai quan tâm đến việc bảo vệ sinh thái của các đảo liên quan, những bãi san hô và các khu vực biển hơn Trung Quốc", ông Ouyang Yujing - người đứng đầu Vụ Hải dương và Biên giới đã ngang nhiên nói như vậy bất chấp hành động đang bị phê phán gay gắt của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian vừa qua.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc