(VnMedia) - S-400 là lý do chính khiến liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO phải nghĩ hai lần trước khi leo thang căng thẳng với Nga, báo chí Mỹ mới đây đã đưa ra nhận định như vậy.
Ảnh minh họa |
Nga có kế hoạch tăng cường sức mạnh phòng thủ trên không của họ ở dọc biên giới phía tây bằng cách triển khai một số tên lửa hiện đại và siêu tinh vi S-400 Triumf cũng như các hệ thống phòng không Pantsir-S. Đây là một phần trong chương trình quy mô lớn của Nga nhằm hiện đại hóa quân đội cho đến năm 2020 và kế hoạch trên rõ ràng cũng là một đòn phản ứng của Moscow trước những bước đi dương oai diễu võ, dọa dẫm của NATO trong suốt thời gian qua.
“Việc triển khai tên lửa S-400 với số lượng lớn hơn ở những đường biên giới của Nga với NATO có thể thách thức năng lực của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương trong việc đạt được ưu thế trên không trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột với Moscow", ông Zachary Keck cho biết trong một bài báo có tiêu đề: “Nước Mỹ hãy cẩn thận: Nga sẽ gửi siêu tên lửa tối tân S-400 đến biên giới NATO".
Siêu tên lửa S-400 có khả năng thách thức toàn bộ cách thức chiến tranh của phương Tây – một cách thức “phụ thuộc vào việc đạt được ưu thế trên không”, ông Robert Farley – một chuyên gia về học thuyết quân sự, an ninh quốc gia và các vấn đề hàng hải, cho biết.
"Ít nhất trong những ngày đầu tiên diễn ra cuộc chiến tranh, S-400 và các hệ thống vũ khí của nó có thể vô hiệu hóa sức mạnh không quân của NATO, làm phương hại đến một trong những trụ cột trung tâm của cách thức chiến tranh của phương Tây”, ông Farley đã viết như vậy trong một bài báo trên tờ National Interest, nói thêm rằng “các lực lượng NATO phải chiến đấu chống lại một hệ thống phòng không hiện đại, có năng lực trong một thời gian rất dài".
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô. Hiện nay, lực lượng phòng không Nga đã triển khai được tất cả 4 trung đoàn, trong đó 2 trung đoàn đầu tiên được bố trí ở ngoại ô thủ đô Moscow. Trung đoàn S-400 thứ ba được triển khai ở vùng Baltic (Leningrad) và trung đoàn thứ tư vừa được triển khai ở khu vực Nakhodka (vùng lãnh thổ Primorsky Krai), gần sát với phần lãnh thổ phía Đông Bắc của Trung Quốc và phía Bắc của Triều Tiên.
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Nga trước đây luôn khẳng định, nước này không có kế hoạch xuất khẩu S-400. Tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại này chỉ được sản xuất để phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Nga. Tuy nhiên, gần đây, có nhiều thông tin về việc Nga có thể xuất khẩu S-400 sang các nước khác.
Nga hiện cũng đang tăng cường nỗ lực phát triển hệ thống S-500 dựa trên phiên bản S-400. Dự kiến trong năm nay, Nga sẽ trình làng loại siêu tên lửa tối tân này.
Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
Những động thái trên của Mỹ và NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân, trong đó có cả vũ khí hạt nhân, ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO. Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc