(VnMedia) - Một tàu chiến của Mỹ hôm qua (28/6) đã tiến vào cảng Batumi của Gruzia ở Biển Đen để tham gia nhiệm vụ huấn luyện, Đại sứ quán Mỹ cho biết đồng thời nói thêm rằng hành động này là nhằm phát đi thông điệp ủng hộ cho các nước trong khu vực đang khao khát trở thành thành viên NATO trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ ở Biển Đen với một thông điệp như vậy rõ ràng là hành động thách thức, khiêu khích đối với Nga khi mà nước này đang đối đầu quyết liệt với phương Tây vì tình hình ở nước láng giềng.
Ảnh minh họa |
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Laboon thuộc Hạm đội Số 6 của Mỹ “sẽ tiến hành nhiệm vụ tuần tra kết hợp định kỳ với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Gruzia”, Đại sứ Mỹ tại Tbilisi cho hay.
Sự kiện trên “tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc tăng cường, củng cố mối quan hệ với các đồng minh và đối tác của NATO như Gruzia trong khi vẫn nỗ lực hướng tới các mục tiêu chung là bảo vệ an ninh và sự ổn định ở Biển Đen”, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tbilisi của Gruzia đã cho biết như vậy trong một tuyên bố.
Việc Mỹ đưa tàu chiến vào một nước đang đối đầu với Nga như Gruzia đương nhiên khiến Moscow không thể không cảm thấy bất an.
Gruzia từng có một cuộc chiến ngắn ngủi với Nga năm 2008 và kể từ đó, mối quan hệ giữa Nga và Gruzia liên tục ở trong trạng thái đối đầu căng thẳng. Gruzia luôn tìm kiếm sự giúp đỡ, hậu thuẫn của phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga. Tbilisi luôn nói về mối đe dọa từ Nga và thể hiện khát khao được gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) cũng như liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO.
Nỗ lực tìm mọi cách gia nhập EU và NATO của Gruzia đã khiến Nga nổi giận bởi Moscow phản đối quyết liệt việc liên minh quân sự phương Tây bành trướng đến sát biên giới của họ.
Các tàu chiến Mỹ từng đưa viện trợ nhân đạo đến Gruzia sau cuộc xung đột Nga-Gruzia hồi tháng 8 năm 2008. Moscow đã lên án gay gắt việc Mỹ đưa những tàu chiến tinh vi đến Gruzia, nói rằng những con tàu đó không phù hợp cho nhiệm vụ viện trợ.
Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng ra, Gruzia ngay lập tức đứng về phía Ukraine và ra sức công kích, lên án Nga.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã châm ngòi cho một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất, căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc đối đầu này đang gây lo ngại thực sự cho cộng đồng quốc tế khi nó mang nhiều dấu hiệu quân sự ẩn chứa những nguy cơ bùng phát xung đột.
Rất dễ để có thể nhận thấy, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng lên, NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã liên tiếp có những hành động quân sự nhằm thị uy, răn đe Nga.
Trong hơn một năm diễn ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine là từng ấy thời gian người ta thấy mức độ của những cuộc tập trận, diễn tập quân sự, những hoạt động triển khai vũ khí của NATO và Mỹ tăng lên chóng mặt ở các khu vực xung quanh Nga.
Trên biển, Mỹ và NATO thường xuyên phái tàu chiến đến Biển Đen, biển Baltic lượn lờ khiêu khích Nga. Cùng với đó, trên bộ, Mỹ và NATO đưa binh lính và các phương tiện bọc thép vào khu vực vốn được coi là thuộc vùng ảnh hưởng của Nga.
Các cuộc tập trận của NATO ở Đông Âu cũng tăng lên nhanh chóng. Nhiều trong số đó là những cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn mà trước đây hiếm khi xảy ra.
Song song với những hoạt động trên, NATO và Mỹ cũng thông báo hàng loạt kế hoạch triển khai, tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở các khu vực gần đường biên giới của Nga. Mới đây nhất, NATO tuyên bố thành lập lực lượng phản ứng nhanh với quân số lớn gấp ba so với trước đây và kèm theo đó là một đối quân mũi nhọn có thể sẵn sàng triển khai chiến đấu đến khu vực Đông Âu chỉ trong vòng vài ngày chứ không phải vài tuần, hay vài tháng như trước đây. Mỹ vừa mới đây cũng thông báo ý định triển khai đến các nước xung quanh Nga hàng loạt vũ khí hạng nặng gồm xe tăng, xe bọc thép đủ cho 5.000 quân chiến đấu.
Trong tình thế bị bao vây về quân sự như trên, Nga buộc lòng phải có phương án đối phó. Moscow cũng liên tục tổ chức các cuộc tập trận, diễn tập quân sự lớn để đáp trả, cảnh báo đối phương. Đáng ngại nhất là Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng triển khai và dùng đến vũ khí hạt nhân để trả đũa phương Tây nếu cần.
Giới phân tích nhận định, xét về so sánh sức mạnh vũ khí thông thường, Nga không thể bằng được với sức mạnh tổng hợp của NATO bởi liên minh này bao gồm siêu cường số 1 thế giới là Mỹ cùng với hàng loạt cường quốc Châu Âu như Anh, Pháp, Đức.... Vì vậy, Nga đương nhiên phải dùng đến lợi thế vũ khí hạt nhân của mình để gây sức ép ngược trở lại với phương Tây. Mới đây, Tổng thống Putin thông báo, chỉ riêng trong năm nay, Nga sẽ tiếp nhận vào lực lượng tên lửa chiến lược của mình đến 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa, kể cả những lá chắn hiện đại nhất, tinh vi nhất. Đây rõ ràng là một lời nhắc nhở nghiêm khắc danh cho phương Tây về sức mạnh hạt nhân đáng gờm của Nga.
Ý kiến bạn đọc