Phương Tây không thể sống thiếu Nga?

15:17, 29/06/2015
|

(VnMedia) - Đức không thể từ bỏ cũng chẳng thể cô lập Nga. Nga vẫn là một trong những nước láng giềng lớn nhất của Đức và Liên minh Châu Âu (EU). Đây là phát biểu của một quan chức hàng đầu của Đức và nó phản ánh lập trường đang thay đổi của giới cầm quyền Đức đối với Nga.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Putin (bên trái) và Thủ tướng Merkel


Nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức - bà Angela Merkel hôm qua đã khiến người ta bất ngờ khi phát biểu, Nga và Đức nên tận dụng mọi cơ hội có thể để thiết lập lại cơ chế đối thoại trực tiếp.
 
Vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mối quan hệ giữa Nga và Đức đã trải qua những giai đoạn khó khăn, Thủ tướng Merkel đã phát biểu như vậy trong cuộc gặp với những đại biểu trước khi bắt đầu lễ khai mai hội nghị lần thứ 13 giữa các thành phố kết nghĩa của Nga và Đức.
 
Phát biểu trước thềm hội nghị, bà Merkel nhấn mạnh, hai nước Nga và Đức nên tận dụng từng cũng như mọi cơ hội để tái thiết lập lại một cuộc đối thoại trực tiếp.
 
"2015 là năm được đánh dấu bởi sự xem xét một cách nghiêm túc mối quan hệ giữa Nga và Đức. Trước hết, tình hình ở Ukraine đã dẫn đến một sự khác biệt sâu sắc trong quan điểm giữa hai nước. Đó là lý do tại sao mà chúng ta rất cần phải tận dụng mọi cơ hội để thiết lập một kênh đối thoại mở”, nữ Thủ tướng Đức nhấn mạnh.
 
Hội nghị giữa các thành phố kết nghĩa của Nga và Đức đang diễn ra ở thành phố Karlsruhe, phía tây nam nước Đức. Sự kiện này thu hút sự tham gia của 400 đại diện đến từ các thành phố của Nga và Đức cũng như các tổ chức.
 
Trong cuộc hội thảo, sẽ diễn ra cuộc họp của 5 nhóm làm việc nhằm tạo cơ hội cho việc trao đổi kinh nghiệm, trong đó có hợp tác kinh tế, quản trị địa phương, đào tạo nghề và các hoạt động lịch sử, xã hội.
 
Trước đó, các nhà hoạt động của một nhóm sáng kiến hoà bình đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Đức Merkel tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột ở Ukraine và tổ chức hội nghị đa phương với sự tham gia của Nga nhằm thảo luận những giải pháp có thể.
 
Các thành viên của nhóm sáng kiến hoà bình Đức Bad Tolz-Wolfratshausen đã viết một bức thư gửi Thủ tướng Merkel để bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Ukraine cũng như mong muốn tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông ÂU.
 
“Phương Tây không thể giải quyết khủng hoảng toàn cầu mà không có Nga”
 
Khôi phục mối quan hệ thân thiện với Nga sẽ giúp tăng cường, đảm bảo hoà bình cho thế giới. Đây là phát biểu vừa được Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đưa ra.
 
Iran và 6 cường quốc thế giới gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức sẽ có từ giờ đến ngày mai (30/6) để tìm kiếm một thoả thuận cuối cùng nhằm đảm bảo bản chất hoà bình cho chương trình hạt nhân của Iran. Đổi lại, phương Tây sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
 
Khi được hỏi bởi tờ Welt Am Sonntag của Đức về việc liệu phương Tây có phải cảm ơn Moscow về một thoả thuận với Tehran hay không nếu các cuộc đàm phán hiện nay ở Vienna thành công, Ngoại trưởng Đức trả lời, “Nga có lợi ích riêng của mình trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng đó”, ám chỉ cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.
 
"Cho đến thời điểm này, cuộc xung đột Ukraine không có ảnh hưởng gì đến lập trường của Nga trong các cuộc đàm phán với Iran. Cuộc xung đột này là một trong nhiều vấn đề trong khu vực và nó không thể được giải quyết mà không có Nga”, ông Steinmeier nhấn mạnh.
 
Ngoại trưởng Đức Steinmeier đã đến thủ đô của Áo trong ngày hôm qua (28/6) để tham gia vòng đàm phán hạt nhân cuối cùng với Iran. Trước đó, hôm thứ Bảy (27/6), các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran, Pháp và Mỹ đã có một loạt cuộc gặp gỡ về vấn đề này. Trong khi đó, các đối tác Nga và Anh đến sau. Đại diện của phía Trung Quốc tham dự là một thứ trưởng ngoại giao.
 
Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier bày tỏ hy vọng sẽ khôi phục lại mối quan hệ hữu nghị giữa Đức và Nga. Ông này xác nhận, “việc đưa quan hệ giữa Moscow và Tehran trở lại trạng thái bình thường, hữu nghị là điều mà Đức mong muốn”.
 
"Đức không thể từ bỏ cũng chẳng thể cô lập Nga. Nga vẫn là một trong những nước láng giềng lớn nhất của Đức và Liên minh Châu Âu (EU). Nga cũng là nước có tiếng nói trong tương lai của Châu Âu, có thể tốt hơn hoặc xấu hơn”, ông Steinmeier giải thích.
 
Ngoại trưởng Steinmeier nói thêm rằng, những cuộc đối thoại thêm nữa phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Nga trong việc giúp tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Quan hệ giữa Nga và Đức đã xấu đi một cách nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Từ việc là những người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu, Nga và Đức quay ra đối đầu gay gắt với nhau. Trong thời gian qua, Đức được xem như là nước dẫn dắt các đồng minh trong Liên minh Châu Âu trong chiến dịch gây sức ép, trừng phạt Nga. Kết quả là Đức đang là một trong những nước EU hứng chịu tổn thất nặng nề nhất vì cuộc chiến trừng phạt với Nga.
 
Đang ngày càng có nhiều người dân, doanh nghiệp và cả giới chuyên gia, chính khách Đức lên tiếng kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Merkel hàn gắn lại mối quan hệ với Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc