Việc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo về tình trạng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục nâng cấp kho vũ khí của mình bất chấp xu hướng của quốc tế tiến tới giải trừ quân bị, đang làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân trong tương lai.
Khẳng định vị thế cường quốc
Theo báo cáo giải trừ quân bị hàng năm của SIPRI, từ năm 2010 đến 2015, số đầu đạn đã giảm từ 22.600 xuống còn 15.850, trong đó Mỹ và Nga là hai quốc gia giảm nhiều nhất.
Mặc dù vậy, đề cập tới "các chương trình hiện đại hóa dài hạn tốn kém và có quy mô lớn" của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này, vốn chiếm tới 90% số vũ khí trên thế giới, nhà nghiên cứu Shannon Kile làm việc tại SIPRI khẳng định trong báo cáo: "Cho dù quốc tế ưu tiên giải trừ vũ khí hạt nhân, song các chương trình hiện đại hóa đang diễn ra tại các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cho thấy không nước nào trong số này sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình trong tương lai gần".
Tính đến đầu năm 2015, trong số 9 quốc gia (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và CHDCND Triều Tiên) đang sở hữu 15.850 đơn vị vũ khí hạt nhân, có 4.300 đơn vị đã được triển khai tại các binh chủng và 1.800 đơn vị trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Hiện Mỹ có 7.260 đầu đạn hạt nhân (2.008 đầu đạn đã triển khai, 5.180 đầu đạn dự trữ trong kho), Nga có 7.500 đầu đạn hạt nhân (1.780 đầu đạn đã triển khai, 5.720 đầu đạn dự trữ trong kho).
Theo các số liệu chưa được kiểm chứng, CHDCND Triều Tiên có từ 6-8 đầu đạn hạt nhân. Các đầu đạn hạt nhân đã triển khai khi được lắp vào tên lửa hoặc được bố trí tại các căn cứ tác chiến. Triều Tiên còn được cho là đang phát triển kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Tại sao vẫn được ưu tiên số 1?
Trên thực tế, vũ khí hạt nhân của Mỹ lâu nay không giải quyết được mối đe dọa từ IS ở Iraq và Syria hay các phần tử nổi dậy ở Afghanistan. Người ta cũng không thể tìm ra bất cứ lý do nào để triển khai vũ khí hạt nhân chống lại Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea hay giải quyết bất ổn ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, nó lại đóng vai trò duy trì thế cân bằng của Mỹ và các cường quốc hạt nhân khác trên thế giới. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từng khẳng định: "Răn đe hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và nó cũng nhận được ưu tiên số 1 từ Lầu Năm Góc”.
Trước đó, đầu năm 2014, Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo trước Quốc hội nước này rằng Bắc Kinh đang phát triển tên lửa DF-41 (Đông Phong - 41) - một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa di động thế hệ tiếp theo có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân và khi tấn công, các đầu đạn có thể tách ra, đánh vào nhiều mục tiêu khác nhau.
Ngoài, DF-41, các quan chức Mỹ còn cho rằng Trung Quốc đã đưa tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân vào hoạt động trong bối cảnh máy bay có khả năng ném bom hạt nhân H-6K trở thành một phần của kho vũ khí nước này. Các loại vũ khí trên đại diện cho một bộ ba hạt nhân, tiêu chuẩn cũ mà nhiều thập kỷ Mỹ muốn duy trì sự tồn tại trong một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
Mặc dù các nhà phân tích cho rằng bộ ba vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn bị mất cân bằng rất nhiều, chủ yếu thiên về các tên lửa được triển khai trên đất liền, bởi chiến đấu cơ của nước này không thể bay quá xa và các tàu ngầm của Trung Quốc không đảm bảo độ tin cậy trọn vẹn. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là: Tại sao Trung Quốc, một đất nước có chính sách "không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên", lại nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình tại một thời điểm mà Mỹ và Nga đang giảm dự trữ hạt nhân của họ?
Không có một nhà lãnh đạo nào ở Mỹ, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác được cho là ủng hộ một cuộc tấn công hạt nhân trong môi trường toàn cầu ngày nay. Điều đó nói lên rằng, các nhà hoạch định quân sự được trả tiền để vạch ra các kịch bản trong trường hợp tồi tệ nhất và đưa ra những lựa chọn của họ.
Ý kiến bạn đọc