(VnMedia) - Tình hình Ukraine mới đây vừa chứng kiến một diễn biến đầy bất ngờ và cũng đầy bất thường. Đó là tình trạng leo thang bạo lực đẫm máu ở mức chưa từng có trong vài tháng trở lại đây. Điều này khiến người ta đặt ra không ít câu hỏi.
Ảnh minh họa |
Kể từ khi lệnh ngừng bắn mới nhất chính thức có hiệu lực từ hôm 15/2, tình hình miền đông Ukraine đã lắng dịu đi rất nhiều. Quy mô và mức độ xảy ra các cuộc giao tranh, đụng độ giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai miền đông đã giảm đi rõ rệt. Kết quả là tình trạng thương vong theo đó cũng sụt giảm mạnh. Miền đông Ukraine đã được trải qua nhiều tháng khá yên bình sau một thời kỳ dài hứng chịu cảnh mưa bom, đạn nổ, chết chóc và tàn phá.
Mặc dù vẫn thỉnh thoảng xảy ra những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn nhưng về cơ bản tình hình miền đông đã đạt nhiều tiến triển, đem lại hy vọng về khả năng khôi phục lại hòa bình.
Tuy nhiên, hôm 3/6 vừa rồi, quân đội Ukraine và lực lượng ly khai miền đông đã bất ngờ lao vào một cuộc giao tranh ác liệt chưa từng có trong nhiều tháng trở lại đây. Tất nhiên, cũng giống như mọi lần, Kiev và lực lượng ly khai lại đổ lỗi cho nhau về vụ vi phạm nghiêm trọng lệnh ngừng bắn này.
Quân đội Ukraine cáo buộc, lực lượng ly khai miền đông được Nga hậu thuẫn đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn với hàng loạt xe tăng và 1.000 binh lính nhằm tiến vào chiếm đóng thành phố Maryinka. Trong khi đó, quân ly khai khẳng định, họ không hề phát động bất kỳ cuộc tấn công nào mà chính Kiev đã có hành động khiêu khích khiến họ buộc phải bắn trả. Trong cuộc giao tranh ác liệt và đầy bất ngờ ngày hôm đó, cả quân đội Ukraine và lực lượng ly khai đều sử dụng vũ khí hạng nặng và tình hình bạo lực đã vượt xa về mức độ ác liệt so với những cuộc đụng độ nhỏ thường diễn ra sau khi lệnh ngừng bắn được áp dụng.
Tình hình bạo lực leo thang một cách bất ngờ và ở một mức độ chưa từng có như vậy khiến không ít người cảm thấy choáng váng và lo ngại. Sự lo ngại là đương nhiên bởi không ai muốn chứng kiến miền đông Ukraine quay trở lại cuộc chiến đẫm máu đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.400 người và đẩy hàng chục nghìn người vào cảnh sống khốn khổ.
Sau lo ngại, người ta bắt đầu thấy hoài nghi. Nhiều câu hỏi bắt đầu được đặt ra. Trong số đó, câu hỏi lớn nhất là tại sao tình hình bạo lực lại bùng nổ vào thời diểm này. Lực lượng nào gây ra và vì ý đồ gì?
Phương Tây giống như Kiev nhanh chóng đổ lỗi vụ bạo lực hôm 3/6 cho lực lượng ly khai và Nga. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc trên đồng thời tỏ ý hoài nghi về thời điểm bùng nổ căng thẳng mới ở vùng Donbass (từ dùng chỉ hai khu vực Donetsk và Luhansk).
Nga tin rằng tình hình bạo lực quay trở lại là do lực lượng Kiev kích động và điều này có liên quan đến hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) và hội nghị thượng đỉnh G-7 sắp tới.
Những hoài nghi và cáo buộc của Nga không phải là không có cơ sở. Hội nghị thượng đỉnh G-7 sẽ khai mạc trong ngày hôm nay (7/6) và hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến sẽ khai màn vào ngày 25/6. Cả hai hội nghị này sẽ đều ưu tiên vấn đề Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine trong chương trình nghị sự.
Hội nghị G-7 và hội nghị EU diễn ra trong thời điểm tinh thần đoàn kết chống Nga trong liên minh phương Tây đã bắt đầu rệu rã và khi mà các biện pháp trừng phạt Nga của EU sẽ hết hạn vào cuối tháng này.
Nếu tình hình Ukraine tiếp tục có tiến triển tốt đẹp thì rõ ràng khả năng phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga là hoàn toàn có thể bởi hơn ai hết, EU đang mong ngóng điều này diễn ra. Sau thời gian dài áp đặt các đòn trừng phạt nhằm vào Nga, các nước thành viên của EU đã phải “thấm đòn đau” từ hậu quả “gậy ông đập lưng ông” của chính những biện pháp trừng phạt mà liên minh này tung ra. Trong khi đó, đối tác chính cũng là nước dẫn dắt họ trong cuộc chiến trừng phạt này là Mỹ thì dường như không bị hề hấn gì mà thậm chí còn được hưởng lợi.
Chính vì những lý do trên, các nước bước vào hội nghị thượng đỉnh G-7 và hội nghị thượng đỉnh EU với tâm thế không còn chống Nga quyết liệt như cách đây hơn một năm.
Giữa bối cảnh như vậy, tình hình Ukraine bất ngờ có biến động khác thường theo chiều hướng xấu đi một cách nghiêm trọng và đáng lo ngại. Và ngay lập tức, giới chức cầm quyền ở Kiev lại lên tiếng khẩn thiết kêu gọi phương Tây tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa lên Nga. Cùng với đó, các quan chức phương Tây đều đồng loạt lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trước diễn biến tình hình mới. Từ đó, bắt đầu có tiếng nói cất lên về việc cần phải tiếp tục tăng cường gây áp lực lên Nga. Những lời cảnh báo, đe dọa Nga cũng bắt đầu được tung ra.
Rõ ràng, nếu xét trong bối cảnh hiện nay, nước được lợi sẽ là Ukraine và nước bất lợi sẽ là Nga. Kiev có lý do để kêu gọi phản ứng mạnh từ đồng minh phương Tây. Trong khi đó, Nga có khả năng phải đối mặt với thêm sức ép, thêm các biện pháp trừng phạt do tình hình Ukraine không có tiến triển.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc