(VnMedia) - Trung Quốc gần đây ngày càng có nhiều những hành động táo tợn và nguy hiểm ở Biển Đông. Điều này đã bộc lộ rõ hơn quyết tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc cũng như sự tự tin ngày càng lớn của Bắc Kinh về sức mạnh của họ.
Ảnh minh họa |
Có thể kể ra đây một loạt hành động táo tợn và nguy hiểm gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông như nổ súng cảnh cáo tàu của Philippines, dọa bắn rơi máy bay của Australia, chặn và uy hiếp tàu Việt Nam hay sẵn sàng đối đầu với lực lượng Mỹ....
Bộ Quốc phòng Philippines hôm qua (6/6) cho biết, Manila “vô cùng quan ngại” trước thông tin về việc một tàu chiến của Trung Quốc đã không ngần ngại nổ súng bắn cảnh cáo một tàu cá của Philippines ở Biển Đông.
"Nếu thực sự điều đó đã xảy ra thì đây là điều gây lo lắng rất lớn”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines – ông Voltaire Gazmin đã cho các phóng viên biết như vậy từ thủ đô Tokyo – nơi ông này đang tháp tùng Tổng thống Benigno Aquino trong chuyến thăm 4 ngày đến Nhật Bản.
Trước đó, báo chí nhà nước Trung Quốc còn thổi bùng ngọn lửa căng thẳng ở Biển Đông khi có bài bình luận trong đó tuyên bố, nếu máy bay của Không quân Hoàng gia Australia tiến hành các chuyến bay do thám ở khu vực Biển Đông thì Trung Quốc sẽ không ngần ngại bắn hạ những chiếc máy bay đó.
Ông Zeng Jinrun – người phụ trách một chuyên mục trên tờ Thời báo Hoàn Cầu – một tờ báo nổi tiếng về những quan điểm diều hâu, đã nói rằng, Australia sẽ phải trả “một cái giá đắt” cho việc đứng về phía Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
"Nếu một máy bay Australia đến khu vực như kế hoạch, Trung Quốc nên lấy Nga như một ví dụ và có hành động táo bạo, quyết liệt bằng cách điều máy bay quân sự của chúng ta đi đánh đuổi. Nếu điều này không có tác dụng, chúng ta nên bắn hạ chiếc máy bay”, ông Zeng đã viết như vậy.
Mỹ và Australia đang cùng nhau tăng cường áp lực lên Trung Quốc để buộc nước này phải chấm dứt các hoạt động xây dựng, cải tạo và bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews đã tăng cường các chuyến tuần tra bằng máy bay và tàu chiến ở Biển Đông bất chấp việc Trung Quốc và Mỹ vừa có cuộc chạm trán đầy nguy hiểm ở khu vực. Trung Quốc đã liên tục cảnh báo máy bay do thám tối tân P-8 của Hải quân Mỹ rời khỏi khu vực gần quần đảo Trường Sa khi máy bay Mỹ đang thực hiện một chuyến bay tuần tra hồi tuần trước.
Trước đó, tối 29/5, tàu SAR 412 thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) của Việt Nam khi đang làm nhiệm vụ cứu nạn ngư dân đã bị tàu lạ được cho là của Trung Quốc chặn, uy hiếp và yêu cầu chuyển hướng, tiếp đó tàu mang số hiệu 841 xuất hiện gần tàu SAR 412 rồi hướng thẳng vào hông tàu SAR 412. Khi cách khoảng 80 đến 100m, tàu lạ giảm tốc độ và chuyển hướng chạy song song với SAR 412 và chỉ dừng lại khi tàu cứu hộ đi qua đảo Tri Tôn khoảng 15 hải lý.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Hành động của Trung Quốc khiến không chỉ các nước trong khu vực “phát sốt” mà còn gây quan ngại sâu sắc với cộng đồng thế giới.
Đặc biệt, trong suốt nhiều tháng qua, Trung Quốc liên tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng, cải tạo và bồi đắp trái phép ở mức độ và quy mô chưa từng có ở những bãi đá trên Biển Đông. Diễn biến này gây lo ngại về viễn cảnh Trung Quốc sẽ thiết lập những căn cứ ở ngoài khơi và dùng chúng để thực thi yêu sách chủ quyền thái quá ở Biển Đông của nước này.
Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm DOC đã được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó
7 cường quốc hàng đầu thế giới thuộc nhóm G7 hồi tháng 4 đã ra tuyên bố về an ninh hàng hải trong đó bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có “hoạt động bồi đắp quy mô lớn – một hành động làm thay đổi thế nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng". Giới chức Mỹ, Philippines, Nhật Bản, Australia... cũng liên tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, bồi đắp và cải tạo trái phép ở Biển Đông.
Cùng với những lời chỉ trích, lên án, các nước bắt đầu có một loạt động thái nhằm đối phó với Trung Quốc. Mỹ bắt đầu tính chuyện đưa máy bay quân sự và tàu hải quân vào khu vực Biển Đông để tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát. Một số nước ủng hộ kế hoạch của Mỹ. Philippines và Nhật Bản gần đây lại tìm đến nhau, thắt chặt mối quan hệ liên minh, hợp tác quân sự để làm đối trọng với Trung Quốc.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc