(VnMedia) - Một tàu chiến cùng các máy bay quân sự của Mỹ suýt nữa đã có cuộc đụng nhau tóe lửa với Hải quân Iran khi đang đi tuần tra vùng lãnh hải ở Vịnh Aden.
Ảnh minh họa |
Hãng tin Fars dẫn lời một báo cáo từ kênh truyền hình Iran cho biết, một số máy bay và một tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã cố tiếp cận với những chiếc tàu chiến của Iran ở vùng vịnh Aden hôm 4/5.
Hãng tin Fars miêu tả vụ việc “là một hành động khiêu khích”, dẫn đến thực tế là tàu chiến và máy bay Mỹ đã phớt lờ quy định của quốc tế về việc hạm đội hải quân của các nước khác nhau phải duy trì khoảng cách giữa các bên là 5 dặm (hơn 8km).
Liên minh các nước khu vực do Ả-rập Xê-út dẫn đầu đã từ chối không cho hạm đội của Hải quân Iran đi vào Yemen vì nghi ngờ Tehran cung cấp sự ủng hộ về mặt quân sự cho lực lượng chiến binh nổi dậy Houthi người Shiite ở Yemen.
Khi tàu chiến và máy bay Mỹ tiến sát đến các tàu chiến của hạm đội số 34 của Hải quân Iran, họ đã nhận được lời cảnh báo từ một tàu khu trục Iran. Sau đó, phía Mỹ đã đổi hướng, hãng tin Fars đưa tin.
Có một số nguồn tin cho rằng, Iran đang cố tìm cách cung cấp vũ khí cho lực lượng chiến binh nổi dậy Houthi ở đất nước đang bị giày xéo bởi chiến tranh - Yemen. Tuy nhiên, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Iran Hassan Firouzabadi đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc trên, khẳng định Hải quân Iran chưa bào giờ đi vào vùng lãnh hải của Yemen. Thay vào đó, các hạm đội của Iran chỉ có mặt ở các vùng lãnh hải quốc tế để tiến hành nhiệm vụ chống cướp biển ở vùng vịnh Aden, hãng tin Fars đã nói như vậy.
Những cuộc đối đầu giữa tàu chiến Mỹ và Iran không phải là hiếm bởi cả hai nước này đều đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực trong khi mối quan hệ giữa họ lâu nay vẫn ở trong trạng thái vô cùng căng thẳng vì nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề hạt nhân.
Mỹ và các đồng minh thường xuyên đưa vũ khí vào vùng Vịnh cũng như tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung ở nơi này, nói rằng họ muốn bảo đảm sự tự do hàng hải ở tuyến đường biển chiến lược quan trọng hàng đầu thế giới – nơi có tới 40% các chuyến hàng xuất khẩu dầu mỏ của thế giới đi qua.
Iran vốn coi vùng Vịnh là khu vực sân sau của họ và nước này tin rằng họ có lợi ích hợp pháp trong việc mở rộng ảnh hưởng ở đây. Giới chứ Iran thường xuyên lớn tiếng cảnh báo sẽ phong tỏa, đóng cửa Eo biển Hormuz chiến lược – cửa ngõ của vùng Vịnh nếu nước này bị tấn công vì vấn đề chương trình hạt nhân gây tranh cãi và nếu cuộc tập trận của phương Tây trong khu vực được xem là một hành động khiêu khích.
Hải quân Iran đã bắt đầu tăng cường sự hiện diện ở các vùng lãnh hải quốc tế từ năm 2010 bằng cách thường xuyên đưa tàu của họ ra vùng Ấn Độ Dương và vùng Vịnh Aden để bảo vệ các tàu thương mại của Iran trước lực lượng cướp biển Somali đang hoành hành trong khu vực.
Quan hệ giữa Iran với Mỹ và phương Tây đã ở trong trạng thái căng thẳng, đối đầu trong nhiều năm vì cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước cộng hòa Hồi giáo. Phương Tây tin rằng, Tehran đang tìm mọi cách để thực hiện tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của một chương trình hạt nhân dân sự. Trong khi đó, Iran bác bỏ mọi cáo buộc trên, nhấn mạnh chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích dân sự như sản xuất điện năng và nghiên cứu khoa học.
Trong cuộc đối đầu vì chương trình hạt nhân nói trên, giữa Iran với Mỹ và phương Tây liên tục nổ ra những cuộc khẩu chiến gay gắt với hàng loạt những lời đe dọa, cảnh báo đầy ớn lạnh nhằm vào nhau. Song song với đó, hai bên cũng ra sức phô trương sức mạnh, dương oai diễu võ để thị uy lẫn nhau.
Cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu có tín hiệu vui trong năm nay khi phương Tây và Iran được cho là có nhiều khả năng sẽ ký được một thỏa thuận mà hai bên chấp nhận được. Bất chấp dấu hiệu dịu đi trong căng thẳng giữa Iran và phương Tây, mối quan hệ giữa hai bên được cho là còn lâu mới có thể tốt đẹp thực sự được.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc