(VnMedia) - Phương Tây chắc hẳn không thể không lo ngại khi cuộc bầu cử ở Ba Lan vừa rồi đã đưa một chính khách thân với giới hoài nghi về Liên minh Châu Âu (EU) lên cầm quyền. Giới phân tích cho rằng, Ba Lan có thể sẽ không còn là người bảo vệ Ukraine ở Châu Âu nữa dưới thời của tân Tổng thống vừa được bầu lên.
Ông Duda sẽ trở thành Tổng thống mới của Ba Lan |
Việc nhân vật chính khách đối lập Andrzej Duda của Ba Lan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ làm gia tăng cuộc xung đột về mặt hệ tư tưởng giữa Warsaw và Kiev. Diễn biến mới trên chính trường cũng sẽ làm thay đổi vai trò của Ba Lan với tư cách là một người ủng hộ cho Ukraine ở Châu Âu, ông Ruslan Bortnik – Giám đốc Viện Phân tích và Quản lý Chính sách của Ukraine hôm qua (25/5) đã cho hãng tin Itar Tass biết như vậy.
"Một sự chia rẽ, mâu thuẫn về ý thức hệ giữa Ukraine và Ba Lan có thể gia tăng. Điều đó có thể làm phương hại nghiêm trọng đến vai trò của Ba Lan với tư cách là nước ủng hộ, bênh vực cho Ukraine", ông Bortnik nhận định, đưa ra giải thích rằng tân Tổng thống mới của Ba Lan - ông Andrzej Duda đang giữ một lập trường cứng rắn hơn, quyết liệt hơn trong việc chống lại tình trạng lý tưởng hoá các thành viên thuộc những phong trào cực đoan ở Ukraine. "Ông ấy đã nói nhiều lần rằng việc công nhận các thành viên của Quân đội Nổi dậy Ukraine là chiến binh đấu tranh cho nền độc lập Ukraine là điểm đáng lo ngại cho cuộc đối thoại bình thường giữa Ukraine và Ba Lan. Ông này kêu gọi mọi người hãy nhớ đến hàng trăm ngàn người Ba Lan là nạn nhân của những vụ thảm sát ở Volhynia và Đông Galicia trong Chiến tranh Thế giới thứ II", chuyên gia người Ukraine phân tích.
Ông Bortnik dự đoán mối quan hệ giữa Ba Lan với Ukraine cũng như giữa Ba Lan với phần còn lại của Châu Âu sẽ trở nên lạnh nhạt hơn dưới thời của Tổng thống Duda bởi tân Tổng thống Ba Lan có thể tập trung nhiều hơn vào chương trình nghị sự nội bộ, trong đó có việc tăng các tiêu chuẩn xã hội cho người dân Ba Lan thay vì tập trung nhiều vào chính sách đối ngoại.
"Lập trường của Ba Lan trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể ít gây chú ý hơn và ít công khai, thẳng thừng hơn bởi nhiệm vụ đáp ứng các nghĩa vụ xã hội sẽ thúc đẩy ông Duda phải tăng cường hợp tác, có thể với Nga, bất chấp những phát biểu mà ông đưa ra trước đó trong quá trình tranh cử”, ông Bortnik nhấn mạnh. Cũng theo nhà phân tích Ukraine, Châu Âu không thể tăng cường các tiêu chuẩn xã hội cho Ba Lan và Ba Lan sẽ phải tìm kiếm một nguồn tài chính khác ở bên ngoài.
"Dù gì đi nữa, một cuộc khủng hoảng nhẹ được cho là sẽ xảy ra trong quan hệ giữa Ba Lan với Liên minh Châu Âu và Ukraine, với Liên minh Châu Âu là về tiền và với Ukraine là về hệ tư tưởng", ông Bortnik cho hay.
Ông Andrzej Duda đã bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Ba Lan hôm 24/5. Theo kết quả kiểm phiếu, ông Duda giành 51,55% số phiếu trong khi Tổng thống Bronislaw Komorowski giành 48,45%. Tổng thống Komorowski đã thừa nhận thất bại trước đối thủ Duda. Tân Tổng thống Duda sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 6/8, đúng ngày kết thúc nhiệm kỳ của ông Komorowski.
Nhà khoa học chính trị Radoslaw Markowski tin rằng, chiến thắng của ông Duda bất ngờ ngay cả đối với chính đảng của ông này.
Nga muốn xây dựng quan hệ mang tính “xây dựng” với Ba Lan
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (25/5) đã chúc mừng ông Duda và kêu gọi “xây dựng một mối quan hệ mang tính xây dựng hơn giữa Nga và Ba Lan, dựa vào các nguyên tắc về mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và tôn trọng lợi ích của nhau. Điều đó sẽ giúp tăng cường an ninh và sự ổn định ở Châu Âu”.
Mối quan hệ giữa Moscow và Warsaw vốn về mặt lịch sử đã rất phức tạp và hiện tại quan hệ này đang rơi vào tình trạng xấu do Ba Lan là một trong những nước chống Nga mạnh mẽ nhất và chỉ trích Nga mạnh mẽ nhất trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ba Lan là một nước thành viên NATO có chung biên giới với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan cũng thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ Nga, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine.
Nếu như Tổng thống sắp mãn nhiệm của Ba Lan được cho là luôn giữ lập trường vô cùng cứng rắn với Nga thì tân Tổng thống Ba Lan được cho là sẽ có chính sách dịu nhẹ hơn. Việc ông Duda lên cầm quyền được dự báo sẽ kéo theo nhiều nhân vật chính khách hoài nghi về EU vào nội các mới của Ba Lan. Đây rõ ràng không phải là một tín hiệu tốt với phương Tây và có thể xem là một tín hiệu đáng hy vọng của Nga. Một Ba Lan mềm dịu hơn sẽ khiến Nga bớt phải đau đầu như hiện nay.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc