Nga thẳng tay tung “đòn S-300”, phương Tây sốc

15:33, 27/05/2015
|

(VnMedia) - Thứ trưởng Ngoại giao Iran - ông Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố, nước Cộng hoà Hồi giáo đã có những cuộc đàm phán “thành công” với Nga về việc bàn giao các hệ thống phòng không S-300 tối tân trong tương lai, đài truyền hình nhà nước Iran - IRIB hôm qua (26/5) đưa tin.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Moscow và Tehran đã kết thúc các cuộc đàm phán về hợp đồng tên lửa S-300. Tất cả các vấn đề xung quanh việc bàn giao hệ thống S-300 cho Iran đang tiến triển tốt đẹp và việc bàn giao S-300 cho Iran sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất có thể, ông Amir-Abdollahian đã cho biết như vậy trong cuộc họp báo ở thủ đô Moscow của Nga hôm thứ Hai (25/5).
 
Nga hôm qua cũng đã lên tiếng xác nhận thông tin về quyết định của nước này trong việc chuẩn bị bàn giao các tên lửa thiện chiến S-300 cho Iran. Tuy nhiên, Moscow cho hay, họ chưa thể công bố ngày giờ chính xác sẽ cung cấp tên lửa tối tân của mình cho nước Cộng hoà Hồi giáo.
 
"Quyết định bàn giao S-300 cho Iran đã được đưa ra nhưng việc thực hiện quyết định này sẽ phải mất một thời gian”, các hãng tin Nga dẫn lời ông Yevgeny Lukyanov – Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết.
 
"Theo như tôi hiểu, thời gian chuyển giao tên lửa S-300 chưa diễn ra ngay”, ông Lukyanov nói thêm.
 
Các cuộc đàm phán về hợp đồng S-300 bị phong toả từ năm 2010 đã được khởi động trở lại và kết thúc hôm 25/5 vừa rồi.
 
Tuyên bố của giới chức Nga và Iran về việc hợp đồng S-300 sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể chắc chắn sẽ khiến phương Tây không khỏi ngỡ ngàng, choáng váng. Trước đó, hôm 23/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov vẫn còn nói rằng, Nga sẽ chưa bàn giao hệ thống tên lửa S-300 cho Iran trong thời gian trước mắt mặc dù Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm vận.
 
Hồi tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm bán các hệ thống tên lửa phòng không thiện chiến S-300 cho Iran. Sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức.
 
Giải thích về quyết định trên của Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói rõ rằng, Nga tình nguyện dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran là vì thấy lệnh này không còn cần thiết khi mà đang có tiến triển đạt được trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran.
 
"Ban đầu, quyết định tạm ngừng thực hiện hợp đồng được thực hiện là để ủng hộ cho nỗ lực của 6 nước trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân. Việc đó là một hành động hoàn toàn tự nguyện bởi các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Iran không cấm các nước bán vũ khí phòng vệ cho nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tôi nhấn mạnh, quyết định của Nga được đưa ra dựa trên tinh thần thiện chí nhằm thúc đẩy tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán. Và nay, khi tiến trình đàm phán hạt nhân đạt được tiến bộ đáng kể” thì Moscow quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran, ông Lavrov cho hay.
 
Quyết định của ông Putin đã gây ra một làn sóng phản đối gay gắt từ Israel và Washington. Mỹ và Israel và các nước phương Tây đã có nhiều động thái vận động Nga không bán tên lửa S-300 cho Iran vì sợ rằng Nhà nước Hồi giáo sẽ sử dụng các hệ thống tên lửa tối tân của Nga để bảo vệ các cơ sở hạt nhân của họ khỏi các cuộc không kích có thể xảy ra trong tương lai.
 
Iran quan tâm đặc biệt đến các tổ hợp tên lửa S-300 của Nga. Năm 2007, Nga đã ký một hợp đồng bán cho Iran các hệ thống S-300 với trị giá hợp đồng lên tới 800 triệu USD. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đóng băng năm 2010 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt Tehran. Nghị quyết trên quy định việc hạn chế cung cấp các loại vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa và hệ thống tên lửa tấn công, xe tăng, máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu, tàu chiến cho Iran. Ngày 22/9/2010, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã  chính thức ký sắc lệnh hủy bỏ hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran. Lý do được ông Medvedev đưa ra là việc Nga cung cấp những tên lửa tinh vi S-300 cho Iran sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
 
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
 
S-300 ban đầu được thiết kế nhằm mục đích giúp Nga đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù. Khi lần đầu tiên được Liên Xô triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa được rất nhiều nước thèm muốn bởi nó là thứ vũ khí hiệu quả hàng đầu trong việc bảo vệ các vùng trời.
 
Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.
 
S-300 được trang bị nhiều loại ra-đa tối tân, bao gồm đài ra-đa trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, ra-đa trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, ra-đa điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với ra-đa dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. Hệ thống S-300 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của Không lực Mỹ cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc