(VnMedia) - Pháp đang thể hiện sự tuyệt vọng trong việc xử lý hợp đồng siêu tàu chiến lớp Mistral với Nga bằng việc liên tiếp đưa ra những kịch bản gây sốc, trong đó có việc đánh chìm hai chiếc tàu chiến tối tân, đắt đỏ hoặc dùng những con tàu hoành tráng này để đi làm nhiệm vụ cứu người tị nạn Châu Phi ở biển Địa Trung Hải.
Siêu tàu chiến lớp Mistral |
Pháp đang tìm kiếm một sự lựa chọn tốt nhất cho việc sử dụng hai chiếc tàu chiến lớp Mistral mà nước này không muốn bàn giao cho Nga theo hợp đồng hai nước đã ký kết. Hai chiếc tàu của Pháp hiện tại đang neo đậu tại cảng ở Saint-Nazaire mà không có mục đích gì. Ông Thierry Mariani - một thành viên của Quốc hội Pháp, mới đây đã đưa ra gợi ý là sử dụng hai chiếc siêu tàu chiến tối tân, hiện đại và đắt đỏ này đi làm nhiệm vụ cứu những người tị nạn Châu Phi ở biển Địa Trung Hải.
Hai tàu chiến Mistral có thể được sử dụng ở biển Địa Trung Hải để cứu những người tị nạn Châu Phi gặp nạn hàng loạt trên đường từ Châu Phi đến Châu Âu, tờ Le Figaro của Pháp dẫn lời ông Mariani cho biết.
Chính phủ Pháp đang thực sự bế tắc trong việc tìm kiếm một lối thoát tốt nhất nhằm cứu vãn thể hiện cho nước này sau khi để mình rơi vào tình thế khó xử, lúng túng vì không thực hiện việc bàn giao hai siêu tàu chiến lớp Mistral mà Nga đã đặt mua và đã trả tiền trước cho Pháp.
Trong tình thế bế tắc và tuyệt vọng, Pháp từng tính đến chuyện đánh chìm hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral hoặc bán lại chúng cho một bên thứ ba. Tuy nhiên, Nga khẳng định Pháp không thể bán lại tàu chiến Mistral cho bất kỳ bên nào khác vì đã có một điều khoản cụ thể trong hợp đồng, trong đó nghiêm cấm việc bán lại tàu Mistral cho một bên thứ ba.
Hiện tại, tàu Mistral đang được neo đậu tại cảng Saint-Nazaire. Chi phí để duy trì, bảo dưỡng và bảo đảm an ninh cho hai chiếc tàu chiến hiện đại này “ngốn” của người đóng thuế Pháp mỗi tháng tới 5 triệu euro. Một số chuyên gia quân sự thậm chí đã gợi ý đến viễn cảnh tuyệt vọng nhất là đánh chìm hai chiếc tàu chiến hiện đại và đắt đỏ này bởi Pháp không thể bán những chiếc tàu này cho bất kỳ ai.
Ông Thierry Mariani – một thành viên Quốc hội Pháp và là cựu Bộ trưởng Giao thông-Vận tải, đã gợi ý một lựa chọn khác thay thế. Theo đó, Pháp có thể sử dụng các tàu lớp Mistral ở Địa Trung Hải để cứu sống những người tị nạn Châu Phi đang chết hàng loạt khi đi vào Châu Âu. Hai tàu khổng lồ của Pháp có thể được sử dụng làm chỗ ở tạm thời cũng như lắp đặt các trạm y tế trên boong tàu để giúp đỡ những người gặp khó khăn trên biển. "Điều này sẽ giúp cứu được tối đa mạng người và giải quyết được các vấn đề liên quan đến việc cho họ ở tị nạn ngay trên con tàu", ông Mariani cho hay.
Hơn nữa, cựu Bộ trưởng Giao thông Pháp còn đưa ra thêm lập luận rằng, nếu có một cuộc khủng hoảng xảy ra ở Địa Trung Hải, các tàu Mistral có thể được cử đi để cứu những công dân Pháp ở các nước bị ảnh hưởng.
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Lý do của sự trì hoãn này là cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Trong một động thái nhằm trừng phạt Nga trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh đã gây sức ép mạnh mẽ để buộc Pháp phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. Paris hiểu rõ hậu quả của việc không bàn giao tàu chiến Mistral cho Nga theo đúng hợp đồng nhưng nước này dường như không có con đường nào khác.
Trong suốt thời gian qua, Pháp loay hoay tìm lối thoát cho thế bế tắc trong hợp đồng Mistral nhưng vẫn “chưa thấy ánh sáng lóe lên cuối đường hầm”.
Gần đây, báo chí liên tục đưa thông tin về những lựa chọn mà Pháp có thể sử dụng cho hợp đồng Mistral, trong đó có việc bán lại hai chiếc tàu chiến loại này cho Trung Quốc. Tuy nhiên, việc bán siêu tàu chiến lớp Mistral đã khó thì việc bán cho Trung Quốc lại càng khó hơn. Mỹ được cho là sợ nhất viễn cảnh tàu chiến siêu hiện đại của Pháp rơi vào tay đối thủ Trung Quốc.
Mặc dù đang gặp khó trong việc xử lý hợp đồng tàu chiến lớp Mistral với Nga nhưng Tổng thống Francois Hollande vẫn tỏ ra rất cứng rắn với Moscow. Hôm qua (22/5), Nhà lãnh đạo Pháp vẫn lên tiếng kêu gọi tiếp tục gây sức ép với Nga và lực lượng ly khai miền đông trong việc tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn mà ông này đã góp phần làm trung gian hồi tháng 2 vừa rồi.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc