(VnMedia) - Trong suốt hơn một năm qua, phương Tây dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã gắng hết sức tìm mọi cách để dồn ép, bủa vây và thắt chặt “thòng lọng” xung quanh Nga. Tuy nhiên, kết quả nhận được là điều mà họ hoàn toàn không thể ngờ tới.
Hình ảnh tại lễ diễu binh hoành tráng mừng Ngày Chiến thắng - 9/5 ở Nga |
Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine bùng lên cách đây hơn một năm, Nga đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch đối đầu chưa từng có của phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam nước này. Dù cho Nga kiên quyết và thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc và phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục chứng minh cho các cáo buộc của họ, phương Tây vẫn tìm cách bao vây, dồn ép và bóp nghẹt Nga trên mọi mặt trận, từ kinh tế, tài chính, quân sự đến thông tin, tuyên truyền
Trên mặt trận kinh tế, Mỹ đã dẫn dắt Liên minh Châu Âu (EU) và các đồng minh khác thực hiện chiến dịch trừng phạt mạnh mẽ và quyết liệt nhằm vào nền kinh tế của Nga. Không thể phủ nhận thực tế là các đòn trừng phạt đó đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga, khiến Nga nhiều phen lao đao.
Chưa dừng lại ở đó, trên mặt trận chính trị, ngoại giao, phương Tây tìm cách cô lập Nga bằng cách loại bỏ Moscow ra khỏi các tổ chức, các nhóm cũng như các diễn đàn, hội nghị quốc tế. Gần đây nhất, giới lãnh đạo phương Tây còn đồng loạt tẩy chay một trong những sự kiện quan trọng nhất của Nga cũng như của thế giới – đó là lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức của Hồng quân Liên Xô.
Trên mặt trận quân sự, NATO đại diện quân sự của Mỹ và EU liên tiếp có những bước đi, động thái nhằm tạo vòng vây xung quanh Nga cũng như phô trương sức mạnh để thị uy, dọa dẫm Nga.
Song song với những “đòn” kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự, phương Tây còn tích cực đẩy mạnh cuộc chiến tuyên truyền nhằm “vẽ” lên một hình ảnh xấu xí về Nga như là một “nước xâm lược, hung hăng, gây hấn”....
Một chiến dịch “tổng tấn công” như trên đã được phương Tây chuẩn bị rất kỹ với đầy đủ những toan tính tinh vi. Phương Tây tin rằng, ép mạnh Nga trên mặt trận kinh tế, khiến nền kinh tế Nga chao đảo, rơi vào khủng hoảng, đẩy người dân Nga vào cuộc sống khó khăn thì tự khắc người dân xứ sở Bạch Dương sẽ quay lại chống chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin. Mặt khác, việc gia tăng sức ép về chính trị, quân sự và tuyên truyền lên Nga sẽ khiến người dân Nga hình thành một phong trào chống chiến tranh và từ đó gây sức ép ngược trở lại về phía Tổng thống Putin.
Kết quả không ngờ tới
Tuy nhiên, mọi tính toán của phương Tây khi đưa ra chính sách gây áp lực từ mọi phía và trên mọi mặt trận với Nga đến nay được chứng minh là sai lầm.
Các biện pháp trừng phạt Nga mà phương Tây tung ra với ý định làm suy yếu nền kinh tế Nga ban đầu rõ ràng là phát huy tác dụng. Tuy nhiên, đúng như lời của giới chức Nga nhiều lần tuyên bố, điều đó chỉ giúp họ thêm mạnh mẽ, vững vàng và giúp họ tăng cường sự độc lập cho nền kinh tế cũng như mở rộng mối quan hệ đối tác ra nhiều hướng.
Rõ ràng, trong thời gian qua, người ta đã thấy Nga mở rộng mạnh mẽ quan hệ kinh tế, thương mại với một loạt quốc gia Châu Á và Nam Mỹ. Cùng với đó, Nga cũng đã tăng cường sự độc lập cho nền kinh tế nước này bằng cách phát triển các ngành sản xuất nội địa. Kết quả là gần đây, nền kinh tế Nga có nhiều dấu hiệu phục hồi, đặc biệt đồng rúp Nga sau những tháng ngày suy sụp nghiêm trọng đã tăng giá trở lại một cách thần kỳ. Trong vòng 3 tháng qua, đồng rúp đã tăng giá một cách đáng ngạc nhiên. Theo đó, đồng tiền này đã tăng 20% so với đồng đô la và 35% so với đồng euro. Trong những tháng đầu năm 2015, đồng rúp trở thành đồng tiền tốt nhất thế giới đối lập hoàn toàn với tình trạng sụt giá nghiêm trọng trong năm 2014. Diễn biến này đang đem lại hy vọng về một sự phục hồi cho nền kinh tế Nga.
Kết quả không ngờ hơn đối với phương Tây chính là, những đòn trừng phạt, sự cô lập, gây sức ép của phương Tây đã giúp thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, niềm tự hào dân tộc của người dân Nga.
Trong một bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Obama đã liệt kê ra những mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh toàn cầu với dịch Ebola đứng đầu, sau đó là đến cái gọi là “sự xâm lược Châu Âu của Nga” rồi mới đến nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Ông Melikhov – một doanh nhân trung tuổi người Moscow, cho biết, chính thời khắc nghe được bài phát biểu của ông Obama là lúc trong ông trỗi dậy ý nghĩ về đất nước mình, về vị trí của đất nước Nga trên thế giới.
Ông Melikhov ủng hộ việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea giống như hầu hết người dân Nga khác. Cũng như vậy, ông Melikhov cho biết, ông tin rằng Tổng thống Putin đang bảo vệ các lợi ích tự nhiên của Nga khi hậu thuẫn cho lực lượng ly khai nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine trong cuộc chiến với chính phủ chống Nga ở Kiev. Phát biểu của ông Obama khiến ông Melikhov choáng váng bởi nó cho thấy một khoảng cách rất xa giữa một bên là thực tế ông là người Nga với bên kia là cách phương Tây nhìn nhận Nga như thế nào. "Không chỉ mình tôi. Tất cả các đồng nghiệp của tôi đều kinh ngạc, chonags váng. Lãnh đạo của nước Mỹ lại đưa đất nước chúng tôi vào một danh sách đen có vị trí ngang bằng virus Ebola và một tổ chức khủng bố. Đó là tất cả. Những tấm màn đã được dỡ xuống. Mỹ không phải là bạn. Bây giờ chỉ là “chúng tôi” và “họ”. Tôi cuối cùng cũng đã hiểu rõ hoàn toàn việc đó”.
Ông Melikho không phải là trường hợp ngoại lệ ở nước Nga mà là đại diện của phần lớn người Nga. Cũng không phải là ông Melikhov không yêu nước trước đây.
Việc phương Tây muốn người Nga quay lại chống Tổng thống Putin là điều khó có thể xảy ra bởi người dân xứ sở Bạch Dương vốn rất biết ơn ông Putin về việc đã vực dậy nước Nga từ vực thẳm.
Người Nga từng phải trải qua thời kỳ cay đắng khi Liên Xô sụp đổ. Khi đó, rất khó để người ta có thể cảm thấy yêu nước. Điều này đã được thừa nhận bởi ông Shaparin. Tuy nhiên, gần hai thập kỷ dưới thời ông Putin, nước Nga đã trỗi dậy một cách vững vàng, mạnh mẽ, đem lại sự tự hào trở lại cho người dân xứ sở Bạch Dương. Những gì trải qua trong hơn một năm qua đã đánh thức người dân Nga nhận thức rõ, họ không giống người dân ở phương Tây, đất nước họ có lợi ích riêng và họ không có ai để dựa vào ngoài chính mình.
"Chúng tôi không muốn chiến tranh, và chúng tôi không cảm thấy phương Tây là kẻ thù nhưng nhiều người đang có dồn ép chúng tôi vào một cái hộp, bao vây chúng tôi bằng các căn cứ quân sự và bắt chúng tôi từ bỏ Ukraine, phá vỡ những gì còn lại của đất nước chúng tôi. Điều được chúng tôi dạy ở đây là Nga có thể được cứu và rằng tất cả các biện pháp trừng phạt và mối đe dọa từ NATO đều có thể đánh bại nếu Nga hiểu tình hình và học cách để trở nên mạnh mẽ hơn, thích ứng hơn và sẵn sàng cùng nhau xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn. Chẳng có điều gì tốt đẹp đến từ việc nhượng bộ, thỏa hiệp trước sức ép từ bên ngoài”, ông Shaparin nhấn mạnh.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc