Tên lửa siêu hạng của Nga sẽ thống lĩnh không gian

19:23, 14/04/2015
|

(VnMedia) - Đợt phóng đầu tiên đối với tên lửa nặng siêu hạng Angara sẽ được tiến hành trong năm 2021. Thông tin trên vừa được ông Igor Komarov – người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga – Roscosmos đưa ra hôm qua (13/4).
  
“Lần phóng thử đầu tiên dự kiến sẽ được tiến hành vào năm 2021, còn vào năm 2024, chúng tôi hy vọng sẽ đưa một con tàu vũ trụ cùng với các phi hành gia lên trạm quỹ đạo”, ông Komarov nói với Tổng thống Vladimir Putin.

Ảnh minh họa

Cùng ngày, Tổng thống Putin cũng nói với các chuyên gia vũ trụ Nga là nên tìm hiểu và nghiên cứu việc phóng các tên lửa  nặng siêu hạng từ trung tâm vũ trụ Vostochny đang xây dựng tại vùng Viễn Đông của Nga lên quỹ đạo.
 
Trước đó, ông Vladimir Nesterov - trưởng nhóm thiết kế tên lửa Angara cũng cho biết, tên lửa đẩy hạng nặng Angara-A5 thứ 2 sẽ được bàn giao cho quân đội Nga vào cuối năm nay.
 
“Theo hợp đồng, tên lửa hạng nặng Angara thứ 2 sẽ được bàn giao cho khách hàng (Bộ Quốc phòng Nga) vào cuối năm nay”, ông Nesterov cho biết.
 
Theo hãng tin RIA, ngày 23/12/2014, tên lửa Angara-A5 đầu tiên đã được phóng thành công từ một trung tâm vũ trụ ở Plesetsk, miền bắc nước Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp giám sát vụ thử tên lửa này qua một kênh liên lạc bằng video. Tổng thống Putin đã mô tả việc phóng thành công tên lửa Angara là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa đối với nước Nga.
 
Tổng thống Putin nói rằng, tên lửa mới này rất phù hợp và sẽ giúp nâng cao hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm các cuộc tấn công tên lửa, do thám cũng như các hệ thống truyền thông vì mục đích phòng thủ của Nga. Tổng thống Putin tự tin khẳng định rằng, Nga vẫn là một trong những quốc gia hàng đầu được quốc tế công nhận trong ngành khám phá vũ trụ của thế giới. Cũng theo Tổng thống Putin, tên lửa này sẽ được sử dụng cho cả mục đích kinh tế, và quốc phòng, nó sẽ giúp tăng cường sức mạnh phòng thủ của Nga cũng như tất cả các quốc gia thành viên của CSTO.
 
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, trong 5 năm tới, họ sẽ tiếp tục chỉ thị tiến hành hàng loạt vụ phóng thử đối với dòng tên lửa Angara, loại tên lửa được thiết kế cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự, trong đó có việc phóng tàu vũ trụ có người lái vào không gian.
 
Được thiết kế tiếp nối tên lửa Proton và một số tên lửa đẩy khác thời Liên Xô cũ, tên lửa Angara là loại tên lửa đẩy đầu tiên được phát triển mới hoàn toàn thời hậu Liên Xô với nhiều đột phá về công nghệ.
 
Tên lửa đẩy Angara là một trong những dự án ưu tiên của công nghiệp vũ trụ nước này. Nga hi vọng loại tên lửa này sẽ giúp vực dậy nền công nghiệp không gian chiến lược, và tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Theo Điện Kremlin, tên lửa Angara được đặt tên theo một con sông ở Siberia chảy qua Hồ Baikal.
 
Tên lửa Angara là mô hình hạng nặng, có trọng lượng 773 tấn, và có trọng tải lên tới 24 tấn và có thể thay thế cho tên lửa chở vệ tinh Proton. Phiên bản nhẹ của hỏa tiễn Angara được phóng lần đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái, sau lần thử nghiệm thất bại cuối tháng Sáu.
 
Theo các kỹ sư thiết kế ra loại tên lửa Angara, nó có thể mang lên không gian những vệ tinh công nghệ cao, quân sự cũng như dân sự, sử dụng trong các hệ thống phòng thủ tên lửa, do thám, định vị, viễn thông, qua đó "tăng cường đáng kể nền an ninh của Nga".
 
Ngoài ra, tên lửa đẩy thế hệ thứ 5 này còn thân thiện với môi trường hơn các loại trước,  bởi vì nó thiên về sử dụng nhiên liệu là oxygen và kerosene hơn là các loại nhiên liệu độc hại khác.
 
Theo Trung Tâm phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới, tên lửa Angara được chỉ thị phát triển từ thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin đầu những năm 1990 với dự trù kinh phí lên tới hàng tỷ USD. Đây là một dự án rất quan trọng trong chủ trương của chính phủ Nga nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các bệ phóng tên lửa ở Baikonur mà Moscow thuê của quốc gia láng giềng thuộc Liên xô cũ - Kazakhstan.
 
Hồi tháng 9 năm ngoái, chính quyền Nga đã bật đèn xanh cho một phiên bản hạng cực nặng của loại tên lửa này. Phiên bản cực nặng sẽ có trọng tải từ 120 đến 150 tấn.
 
Ngành vũ trụ của Nga trở nên “nổi đình nổi đám” từ khi nước này là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa được người lên Mặt trăng năm 1961 và sau sự kiện nước này phóng được vệ tinh sputnik đầu tiên lên quỹ đạo 4 năm trước đó. Cho đến nay, ngành không gian vũ trụ vẫn là một niềm tự hào của nước Nga.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc