Chiến lược mềm dẻo đáng kinh ngạc của Mỹ

08:04, 14/04/2015
|

(VnMedia) - Chưa bao giờ thế giới chứng kiến sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ nhanh và liên tục như hiện nay, đáng kể nhất phải kể đến chính sách đối với Cuba, Ấn Độ, Iran và Triều Tiên.

Mỹ - Cuba: Rất gần tới bình thường hóa quan hệ

Ngày 11/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã bắt tay nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần VII ở Panama, một động thái mang tính biểu tượng rất rõ ràng trong khi  hai nước đang tìm cách phục hồi quan hệ sau 50 năm lạnh nhạt và căng thẳng. Ngay sau đó, hai bên đã có cuộc hội đàm song phương.

Mở đầu cho cuộc tiếp xúc này là tuyên bố ngày 17/12/2014 của hai nhà lãnh đạo hai nước khẳng định chính sách cấm vận kéo dài hơn 50 năm qua là quá lỗi thời, hai nước bắt đầu tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ. Sau đó, Nhà Trắng đã khẳng định về cuộc tiếp xúc tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 4 này.

Trước đó, tại đám tang người anh hùng chống phân biệt chủng tộc Nelson Mandela hồi tháng 12/2013 tại Nam Phi , hai vị lãnh đạo cũng đã có những chào hỏi xã giao khiến thế giới tin rằng, hai quốc gia này sẽ sớm xích lại gần nhau hơn.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Raúl Castro khẳng định luôn sẵn sàng đối thoại với Mỹ và nhấn mạnh tinh thần ấy trong cuộc hội đàm song phương, nhưng cũng đưa ra ý kiến không nên ảo tưởng vì giữa hai nước vẫn còn nhiều sự khác biệt. Tương tự đối với Tổng thống Obama, cả trong diễn văn Hội nghị cũng như trong cuộc gặp riêng Chủ tịch Castro, đều nhấn mạnh “hướng tới tương lai và khép lại quá khứ” dù thừa nhận tính phức tạp của quan hệ La Habana – Washington sau quá nhiều năm đối đầu.

Dù biết rằng để đi đến bình thường hóa giữa hai quốc gia này sẽ còn nhiều bàn cãi nhưng sự nhất trí ở cấp cao đã cho thấy sự đồng thuận và đặc biệt là sự chủ động mang tính tích cực từ phía Mỹ mà chính xác hơn là từ cá nhân ông Obama.

Mỹ - Ấn: Chưa bao giờ nồng ấm hơn

Chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Ấn Độ Modi tới Mỹ hồi tháng 9/2014 đã gạt bỏ bất đồng và tạo bước chuyển ngoạn mục trong hợp tác giữa hai bên. Từ năm 2014, Washington và New Delhi đã quyết tâm thể hiện ý chí tạo nên những kết quả hợp tác rõ ràng hơn trên nhiều lĩnh vực.

Sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama với chuyến thăm chính thức và được mời làm khách chính tại lễ kỷ niệm lần thứ 66 Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/1/2015). Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Ấn Độ hai lần khi còn đương chức và được vinh dự mời làm khách chính tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa.

Trong chuyến thăm ba ngày này, Tổng thống Obama đã có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Modi về một loạt vấn đề, trong đó có lĩnh vực hợp tác hạt nhân dân sự, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, phát triển năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, cùng các vấn đề liên quan đến khu vực và thế giới.

Sau hội đàm, hai bên đã chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác, thông qua những văn bản quan trọng và nâng tầm quan hệ như: “Tuyên bố Delhi về quan hệ hữu nghị Ấn-Mỹ”, Tuyên bố “Tầm nhìn chiến lược chung Ấn-Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, Tuyên bố chung về chuyến thăm của Tổng thống Obama.

Ảnh minh họa
Tổng thống Mỹ đang nỗ lực để thay đổi hình ảnh chính mình và thay đổi hình ảnh nước Mỹ


Trong một sự so sánh với mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ thẳng thắn cho rằng, có nhiều khía cạnh khiến Mỹ có quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ, đặc biệt là nền dân chủ phản ánh những giá trị và nguyện vọng theo cách mà Trung Quốc không có. Ông cho rằng không chỉ cá nhân ông mà người dân Mỹ cũng cảm thấy mối quan hệ như vậy là tốt.

Tháng 5 tới,  Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ sẽ tới thăm Ấn Độ và bàn bạc, cụ thể hóa các vấn đề hợp tác quân sự của hai nước.

Gần đây nhất, ngày 3/4, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho biết Chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ việc bán các công nghệ tàu sân bay cho Ấn Độ, trong đó có hệ thống phóng điện từ trên tàu sân bay. Đây là tuyên bố công khai và trực tiếp nhất tới khả năng hợp tác quân sự được đánh giá là rất tiềm năng giữa Mỹ và Ấn Độ.

Những thay đổi rất đáng chú ý khác

Đáng chú  ý là bên cạnh tiến trình bình thường hóa quan hệ được đẩy nhanh một cách rất bất ngờ giữa Cuba và Mỹ, nhờ chính sách đối ngoại mềm dẻo của Tổng thống Obama, Thỏa thuận khung hạt nhân Iran và phương Tây cũng được Nhà trắng thúc đẩy và đạt được, cho dù những phản đối kịch liệt của đồng minh Israel. 

Mỹ cũng đã cho rút bớt quân tại Hàn Quốc, tạo một môi trường thuận lợi hơn để đàm phán về vấn đề Triều Tiên.

Chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết nhiệm kỳ, Ông Obama muốn lấy lại một hình ảnh về một vị Tổng thống rất mềm dẻo và thực hiện đúng với cam kết không đưa quân tham gia vào những cuộc chiến “không liên quan” và “bất đắc dĩ”, xây dựng một hình ảnh nước Mỹ có sức ảnh hưởng lớn về ngoại giao thay vì bằng quân sự như trước đây.


Thảo Hoàng

Ý kiến bạn đọc