Biển Đông: Trung Quốc bị Indonesia dội gáo nước lạnh

21:39, 13/04/2015
|

(VnMedia) - Indonesia muốn tổ chức các cuộc tập trận định kỳ với Mỹ gần quần đảo thưa dân Natuna – một khu vực ở Biển Đông gần với nơi Trung Quốc đòi chủ quyền, một phát ngôn viên của lực lượng Hải quân Indonesia hôm nay (13/4) cho biết.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Mặc dù Indonesia không phải là một bên có tranh chấp ở Biển Đông nhưng quân đội nước này cáo buộc Trung Quốc đang đưa một số phần của quần đảo Natuna vào cái gọi là yêu sách “đường 9 đoạn”. Trung Quốc đã đưa ra yêu sách này để đòi chủ quyền với gần như 90% Biển Đông. Tuy nhiên, đường biên giới 9 đoạn mập mờ của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối quyết liệt và dữ dội không chỉ của các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế bởi lẽ đường 9 đoạn của Trung Quốc là hết sức phi lý và không có cơ sở pháp lý.

 

Mỹ hồi cuối tuần vừa rồi vừa tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung với Indonesia ở Batam, cách quần đảo Natuna ở Biển Đông khoảng 300 dặm (480 km). Mỹ cũng vừa khiến Trung Quốc tức tím mặt vì công khai bày tỏ sự quan ngại về việc Trung Quốc đẩy mạnh tốc độ cải tạo, bồi đắp và xây dựng ở Biển Đông. Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây thậm chí còn thẳng thừng vạch mặt các hoạt động dọa dẫm, bắt nạt các nước nhỏ hơn trong khu vực của Trung Quốc.

 

"Cuộc tập trận hồi cuối tuần vừa rồi là cuộc tập trận thứ hai mà chúng tôi tiến hành với Mỹ ở khu vực đó và chúng tôi có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận nữa vào năm tới. Chúng tôi muốn biến những cuộc tập trận như vậy thành hoạt động định kỳ", phát ngôn viên lực lượng Hải quân Indonesia – ông Manahan Simorangkir cho biết.

 

Cuộc tập trận quân sự của Indonesia với Mỹ bao gồm bài diễn tập sử dụng máy bay tuần tra, do thám tối tân P-3 Orion. Đây là lợi máy bay có thể phát hiện, dò tìm những chiếc tàu nổi và tàu ngầm.

 

Cuộc tập trận không thể tổ chức ở Natuna bởi vì thiếu các cơ sở, căn cứ để chứa toàn bộ máy bay, ông Simorangkir cho biết.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu tuần trước cho hãng tin Reuters biết, trong tháng 5 tới, ông sẽ đến thăm quần đảo Natuna gồm rải rác 157 đảo nhỏ, hầu hết là chưa có người sinh sống, ở ngoài khơi bờ biển tây bắc Borneo, để hoàn thiện kế hoạch nâng cấp căn cứ quân sự nhỏ của nước này ở đây.

 

"Luôn có một sân bay ở Natuna nhưng nơi này không có nhiều lực lượng vũ trang mà chỉ có một vài binh lính thuộc thủy quân lục chiến. Chúng tôi sẽ tăng cường thêm binh lính đến đây, có thể cả không quân, hải quân và lục quân”, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tiết lộ.

 

Giới chức Indonesian nói rằng, các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ và kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự ở quần đảo Natuna không phải là hành động đáp trả bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào. "Có một điều quan trọng cần phải nhớ là Indonesia không liên quan đến bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông. Chúng tôi không muốn để xảy ra một vụ việc nào ở Biển Đông và chúng tôi cam kết với phương pháp tiến cận hòa bình mà chúng tôi đang theo đuổi”, ông Simorangkir nhấn mạnh.

 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tháng trước đã công khai phát biểu rằng, một trong những yêu sách chủ quyền chính của Trung Quốc ở Biển Đông không hề có bất kỳ cơ sở pháp lý nào theo luật quốc tế. Đòi hỏi mà ông Widodo nhắc đến ở đây là đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò phi pháp và phi lý của Trung Quốc.

 

Năm 2009, Indonesia đã gửi văn bản thể hiện lập trường chính thức của mình lên ủy ban Liên Hợp Quốc về việc phân định ranh giới thềm lục địa, nói rằng đường 9 đoạn không có cơ sở theo bất kỳ luật pháp quốc tế nào.

 

Biển Đông được xem là một trong những những điểm nóng nhất ở Châu Á hiện giờ. Các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở đây mang theo nguy cơ có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát bất kỳ lúc nào và có thể leo thang thành xung đột.

 

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, thậm chí cả với những khu vực nằm giáp với bờ biển của nhiều nước Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa vào yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò.

 

Nhiều khu vực nằm trong bản đồ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc cách xa nơi gần nhất thuộc đại lục Trung Quốc đến cả hơn 1.000km và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

 

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

 

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường vận chuyển sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng để tăng cường sự hiện diện và tranh giành chủ quyền ở Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng của họ. Hành động của Trung Quốc liên tục gây sóng gió trong khu vực, khiến nhiều người lo ngại xung đột vũ trang có thể bùng phát bất kỳ lúc nào ở Biển Đông. Đây là điều mà không chỉ các nước trong khu vực mà rất nhiều cường quốc và cộng đồng thế giới quan ngại sâu sắc và kịch liệt phản đối.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc