(VnMedia) - Trung Quốc đã vượt qua Đức và Pháp để trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Đó là thông tin vừa được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Stockholm (SIPRI) đưa ra hôm nay (16/3).
Theo cơ quan nghiên cứu này, kim ngạch thương mại vũ khí toàn thế giới trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2014 đã tăng lên 16% so với 5 năm trước đó.
Báo cáo cho thấy, Mỹ vẫn đang giữ vững vị trí dẫn đầu, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu vũ khí thông thường toàn cầu, trong khi đó, Nga vẫn đứng vị trí thứ 2 với 27%.
Theo đó, doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong năm 2014 đạt 23,7 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước đó.
Trong khi đó, xuất khẩu vũ khí của Nga năm ngoái đạt 10 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong năm 2014, các sản phẩm chính của ngành công nghiệp quốc phòng Nga chủ yếu xuất sang Trung Quốc (2,3 tỷ USD), Ấn Độ (1,7 tỷ USD), Venezuela và Việt Nam (1 tỷ USD). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, do giá dầu giảm và tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt quốc tế, năm 2015, xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
"Năm 2015 được dự báo là năm xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ giảm, bởi các chương trình vũ khí lớn nhất của Nga gần như bị đóng băng và xu hướng này có thể sẽ còn giảm nữa do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga", các chuyên gia cảnh báo.
3 vị trí tiếp theo thuộc về Trung Quốc, Đức và Pháp, trong đó, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 3, vượt cả Đức và Pháp lần lượt ở vị trí thứ 4 và thứ 5.
3 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất và chiếm 2/3 kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc gồm Pakistan 41%, tiếp sau là Bangladesh và Myanmar. Được biết, trong giai đoạn từ 2010-2014, Trung Quốc cũng có 18 khách hàng là các quốc gia đến từ châu Phi.
Về nhập khẩu vũ khí, theo số liệu của SIPRI, trong giai đoạn từ 2010-2014, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, bỏ xa 2 quốc gia ở vị trí thứ 2 và 3 là Trung Quốc và Ả-rập Xê-út khi kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ chiếm 15% toàn thế giới, trong khi 2 quốc gia còn lại mỗi quốc gia chỉ chiếm 5%.
Theo SIPRI, nhập khẩu vũ khí của châu Phi cũng tăng 45% trong giai đoạn này.
“Algeria là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Phi, theo sau là Morocco”, SIPRI nói.
Trong khi đó, chỉ tính riêng trong năm 2014, “Báo cáo mua bán quốc phòng toàn cầu” được trung tâm nghiên cứu quốc phòng IHS Jane’s công bố cho thấy, Ả-rập Xê-út đã chi 6,4 tỷ USD để mua vũ khí, đánh bật Ấn Độ ra khỏi vị trí đầu bảng trong bảng xếp hạng năm trước đó. Ấn Độ xếp vị trí thứ 2 với 5,57 tỷ USD chi cho mua sắm vũ khí.
Ả-rập Xê-út đã tăng nhập khẩu vũ khí lên 54% trong năm qua do các căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Hiện nay, Trung Đông vẫn là nơi hấp dẫn nhất đối với nguồn cung cấp vũ khí. Trong những năm gần đây, các nước Trung Đông nhập khẩu vũ khí ước đạt 110 tỷ USD. Trong năm 2014, Saudi Arabia và UAE cùng mua các hệ thống phòng thủ trị giá 8,6 tỷ USD, nhiều hơn so với tất cả các nước Tây Âu cộng lại. Năm 2014, giá trị xuất khẩu vũ khí của Mỹ cho khu vực Trung Đông đạt 8,4 tỷ USD, tiếp theo là Anh (1,9 tỷ USD), Nga (1,5 tỷ USD), Pháp (1,3 tỷ USD) và Đức (1 tỷ USD).
Là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới nhưng về nhập khẩu vũ khí, với ngân sách quân sự gia tăng nhanh chóng, năm 2014, Trung Quốc cũng đã chuyển từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong danh sách các nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới
Theo báo cáo trên, tổng giá trị của thị trường thương mại vũ khí trên thế giới trong năm 2014 chỉ đạt 64,4 tỷ USD, so với mức 56,8 tỷ USD năm 2013. Anh cũng là nước chi mạnh tay cho việc nhập khẩu vũ khí trong năm vừa qua. Giá trị vũ khí mà Anh đã mua trong năm 2014 đã tăng 54% so với năm 2013. Với tốc độ như vậy, Anh sẽ nhập khẩu 9,8 tỷ USD vào năm 2015.
Ý kiến bạn đọc