(VnMedia) - Chính quyền Kiev và phương Tây không khỏi giật mình ớn lạnh trước tuyên bố “xanh rờn” của Nga về việc nước này có quyền triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt ở bán đảo Crimea.
Ảnh minh họa |
Ông Mikhail Ulyanov – người đứng đầu Vụ Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến Hạt nhân của Bộ Ngoại giao Nga, hôm qua (11/3) đã lên tiếng khẳng định Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Crimea. "Rõ ràng, Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, ở bất kỳ khu vực nào của Nga nếu Nga thấy điều đó là cần thiết. Tôi không biết có bất kỳ sự hiện diện nào của vũ khí hạt nhân ở bán đảo Crimea. Tôi không biết bất kỳ kế hoạch nào về việc triển khai chúng trên bán đảo Crimea nhưng về nguyên tắc chúng tôi có quyền đó, rõ ràng là như vậy. Tất nhiên, Kiev tin vào một điều khác”, ông Ulyanov đã phát biểu chắc nịch như vậy tại một cuộc họp báo ở thủ đô Moscow.
Tuyên bố trên của ông Ulyanov chắc hẳn sẽ khiến Kiev và phương Tây lo lắng hết sức. Tuy nhiên, ông Ulyanov cũng nói rõ rằng, hiện Moscow chưa có kế hoạch thực hiện điều đó.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Nga đưa ra tuyên bố về khả năng đưa vũ khí hủy diệt hàng loạt vào bán đảo Crimea. Hồi tháng 12 năm ngoái, khi phát biểu với hãng tin Interfax của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng từng nhấn mạnh rằng Moscow có quyền triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Crimea.
Theo lời ông Lavrov, trước đây Crimea là một phần của đất nước Ukraine phi hạt nhân nhưng bây giờ điều đó không còn tồn tại. Bán đảo Crimea không còn là một khu vực phi hạt nhân theo luật quốc tế. "Crimea đã trở thành một phần của một đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân – đó là Nga. Vì thế, theo luật quốc tế, Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân ở đây để phục vụ cho lợi ích cũng như các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tuyên bố.
Việc giới chức Moscow tiếp tục ám chỉ đến khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Crimea là một thông tin gây sốc đối với Kiev và cả phương Tây. Crimea là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc đối đầu giữa Nga và Kiev cũng như cuộc Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối.
Theo kết quả thăm dò tại thời điểm Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, hơn 90% người dân Nga đã ủng hộ việc “đón” bán đảo xinh đẹp này trở về vòng tay của họ.
Trong khi đó, các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu lên án gay gắt vụ sáp nhập của Nga đồng thời sôi sục tìm cách trả đũa Moscow. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Vụ sáp nhập nhanh gọn bán đảo Crimea được xem là một chiến thắng của Tổng thống Putin và là một thất bại của phương Tây. Trong suốt thời gian qua, phương Tây được cho là đang phải tìm cách quên đi “nỗi đau” đó.
Về phía chính quyền Kiev, giới chức nước này luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự mạnh nhất Châu Âu để quay trở lại giành bán đảo Crimea.
Trong khi đó, Nga cũng liên tục tăng cường sức mạnh phòng thủ trên bán đảo Crimea bằng việc triển khai hàng loạt vũ khí tối tân, thiện chiến của mình. Hồi cuối năm ngoái, lực lượng quân sự Nga ở Crimea đã được tiếp nhận các hệ thống tên lửa đất đối không S-300PMU để bảo vệ không phận của bán đảo này. Đây là một trong những loại tên lửa mạnh nhất của Nga cũng như mạnh hàng đầu thế giới. Tiếp đó, Nga còn triển khai tên lửa khủng Iskander tới bán đảo Crimea. Tên lửa Iskander cũng là một vũ khí đáng sợ đối với các đối thủ của Nga. Cũng trong thời gian cuối năm ngoái, 20 chiến đấu cơ Su-27 đã được tái triển khai đến căn cứ không quân Belbek ở Crimea.
Song song với việc tăng cường triển khai vũ khí, thiết bị quân sự đến Crimea, Nga còn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở bán đảo này. Trong số các động thái quân sự mới nhất của Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đáng chú ý là cuộc tập trận lớn ở bán đảo Crimea hồi tuần trước. Hơn 2.000 binh lính và 500 vũ khí Nga đến từ các đơn vị phòng không đã diễn tập trên bán đảo Crimea .
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc