(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (26/3) đã tự tin tuyên bố, Nga sẽ bước ra khỏi cuộc đối đầu với Phương Tây trong tư thế của người chiến thắng nếu nước này vẫn giữ lập trường kiên định và cứng rắn.
Tổng thống Putin |
Phát biểu trước các quan chức cấp cao của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, Tổng thống Putin cho hay, “tình hình xung quanh đất nước chúng ta sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp lên không phải bởi vì chúng ta nhượng bộ, cúi đầu hay thỏa hiệp với một ai đó”.
"Mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt lên chỉ khi chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn”, ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Nga cáo buộc phương Tây tìm cách “cô lập về chính trị, gây áp lực về kinh tế, phát động chiến tranh tuyên truyền ở quy mô lớn và sử dụng các cơ quan đặc biệt” tất cả đều chỉ nhằm làm suy yếu nước Nga.
Ông Putin đã nói đích danh đến việc triển khai lực lượng NATO gần biên giới Nga, kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây ở khu vực và một chương trình của Mỹ nhằm phát triển vũ khí thông thường tầm xa có độ chính xác cao. Theo Tổng thống Putin, đó là những mối đe dọa hàng đầu đối với Nga.
"Không ai thành công trong việc dọa dẫm đất nước chúng tôi hay gây áp lực lên chúng tôi. Và điều này sẽ tiếp tục đúng như vậy”, ông Putin cho hay.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Kiev cùng với Mỹ và phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Với lý do này, Mỹ và phương Tây tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Các nước này đã liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời không ngừng chỉ trích và lên án Nga trên các phương tiện truyền thông thế giới. Phương Tây cũng tìm cách thổi phồng mối đe dọa từ Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga cảm thấy bất an.
Moscow bác bỏ những cáo buộc của phương Tây đồng thời khẳng định chính phương Tây mới là lực lượng đứng đằng sau giật dây, gây ra tình hình biến loạn ở đất nước Ukraine hiện giờ. Nga tin rằng, phương Tây kích động tình hình Ukraine và lợi dụng nó để kiềm chế Nga, để có cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực vốn là sân sau của Nga.
Trong cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Cơ quan An ninh Liên bang Nga ngày hôm qua, Tổng thống Putin đã ngợi khen cơ quan tình báo này về những nỗ lực nhằm bắt giữ lực lượng gián điệp nước ngoài. Riêng trong năm ngoái, Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã vạch mặt được 52 sĩ quan tình báo nước ngoài và 290 điệp viên của họ.
Ông Putin thêm rằng, một ưu tiên hàng đầu của Cơ quan An ninh Liên bang Nga hiện giờ là nên theo dõi các công dân Nga đã từng chiến đấu bên cạnh các chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria.
Moscow gay gắt chỉ trích chính sách chống Nga của Mỹ
Mỹ đang dẫn đầu mặt trận chống lại Nga. Theo phân tích được công bố của Hội đồng An ninh Nga (SC), Bản Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2015 vừa được phê chuẩn mới đây có một định hướng chống Nga rõ ràng.
“Các chuyên gia của Hội đồng An ninh Nga đã tiến hành phân tích chiến lược mới của Mỹ. Bản phân tích này đã chỉ ra rằng, so với chiến lược năm 2010, chiến lược mới của Mỹ dựa trên khuynh hướng chống Nga rõ ràng và tạo ra một hình ảnh tiêu cực về đất nước của chúng ta”, bản tuyên bố của cơ quan tư vấn hàng đầu Nga về an ninh quốc gia đã nhận xét như vậy.
Chiến lược an ninh mới của Mỹ dựa trên các nguyên tắc chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ và cái được gọi là quyền của Mỹ trong việc đơn phương thực thi những lợi ích của nước này ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, bản phân tích của Hội đồng An ninh Nga cho hay.
Hội đồng An ninh Nga thẳng thừng tuyên bố, những thay đổi trong quan niệm an ninh của Mỹ sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho mối quan hệ giữa hai nước. Moscow dự đoán Washington và các nước đồng minh sẽ nỗ lực tìm cách thu hút, ve vãn các đồng minh truyền thông của Nga vào phe chống Nga của họ và từ đó làm suy yếu ảnh hưởng của nước Nga trên chính trường thế giới thời hậu Xô-viết.
Chiến lược an ninh mới được phê chuẩn của Mỹ cũng dẫn các chuyên gia Nga đi đến kết luận rằng, chính quyền Mỹ sẽ đầu tư thêm nhiều nỗ lực để hoàn thiện công nghệ chính trị đằng sau cái gọi là “những cuộc cách mạng màu”. Đó là những “cuộc cách mạng” mà ở đó Mỹ tìm cách lật đổ các chính quyền được bầu lên một cách hợp pháp thông qua những cuộc biểu tình đường phố. Khả năng Mỹ áp dụng các công nghệ đó đối với Nga đang tăng lên, Hội đồng An ninh Nga phân tích như vậy.
Hội đồng An ninh Nga cũng cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi việc duy trì thế thống trị toàn cầu của nước này với sự hỗ trợ của lực lượng quân sự và tiềm năng quân sự ngày càng tăng của liên minh NATO.
Moscow tin rằng Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương. “Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục là công cụ chính hỗ trợ và hậu thuẫn cho các lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ”, Hội đồng An ninh Nga cho hay.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc