(VnMedia) - Một trong những trận thảm bại đau đớn nhất và để lại hậu quả nặng nề nhất cho quân đội Ukraine chính là trận thua tan tác đầy bẽ bàng ở chiến trường chiến lược Debaltseve. Sau trận thua này, quân lính Ukraine không chỉ thể hiện sự phẫn nộ với giới tướng lĩnh bất tài mà còn quay ra chế nhạo Tổng thống Petro Poroshenko.
Tổng thống Poroshenko |
Khi hàng đoàn người lính Ukraine mệt mỏi tháo chạy khỏi thành phố Debaltseve hồi tháng trước sau trận thua liểng xiểng, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc làm thế nào mà quân ly khai miền đông Ukraine lại có thể đánh cho lực lượng vũ trang Ukraine thua thảm hại đến vậy ở thành phố chứa đựng mạng lưới đường sắt then chốt.
Tuy nhiên, do quá mải mê phân tích, cáo buộc và đổ lỗi cho vai trò của Nga ở miền đông Ukraine, nhiều nhà phân tích đã bỏ qua điều căn bản nhất – đó chính là sự thiếu năng lực của giới tướng lĩnh chỉ huy cấp cao của quân đội Ukraine cũng như của chính Tổng thống Petro Poroshenko. Đây là nguyên nhân chính khiến quân đội Ukraine phải hứng chịu đòn giáng chí tử của quân ly khai ở Debaltsev. Cả trước và sau trận đánh quyết định ở nơi đây, giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Kiev đều dường như ở trạng thái xa rời với thực tế trên chiến trường.
Sau thỏa thuận Minsk thứ nhất, quân đội Ukraine chỉ còn chiếm giữ một mảnh đất rất nhỏ nằm sâu vào trong lãnh thổ của lực lượng ly khai miền đông và mảnh đất này thực tế bị bao vây 3 phía bởi quân ly khai. Phần dưới của mảnh đất nhỏ bé này chính là thành phố Debaltseve.
Sau khi giành kiểm soát hoàn toàn sân bay Donetsk, quân ly khai đã ngay lập tức đưa binh lính và vũ khí vào các cứ điểm bao vây xung quanh hàng nghìn binh lính Ukraine ở pháo đài Debaltseve.
Vào thời điểm này, lực lượng ly khai đã công khai tuyên bố ý định cắt đứt tuyến đường tiếp vận vào Debaltseve với mục tiêu là bao vây hoàn toàn hàng nghìn binh lính Ukraine ở chiến trường này. Rõ ràng, ngay cả những người quan sát tình cờ nhất cũng có thể thấy rõ thực tế là lực lượng Kiev đang ở một vị trí rất nguy hiểm. Ở điểm này, bộ chỉ huy quân sự Ukraine đáng ra nên rút hàng nghìn binh lính của họ ra khỏi pháo đài Debaltseve đến Artemivsk và các thành phố khác. Điều này sẽ giúp quân Kiev tránh được tình trạng bị bao vây từ 3 phía.
Tại sao giới lãnh đạo Ukraine không thực hiện bước đi nói trên vào cuối tháng 1 để phá chiến lược bao vây của quân ly khai đến giờ vẫn là một điều bí ẩn. Nếu Kiev nhường lại Debaltseve cho lực lượng ly khai, quân đội Ukraine đáng ra đã tạo ra được một đường ranh giới mới với một mặt trận thẳng không có nguy cơ bị bao vây như là khu vực Debaltseve.
"Việc cố giữ Debaltseve là hoàn toàn không có giá trị về mặt quân sự”, ông Gustav Gressel – một chuyên gia về quân sự Đông Âu thuộc Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Quốc tế, đã nhận định như vậy.
Khi cuộc chiến ở Debaltseve nóng lên hồi tháng 2, quân Kiev đã phải hứng chịu những cuộc tấn công sắc bén, mạnh mẽ từ lực lượng ly khai. Quân ly khai quyết tâm cắt đứt tuyến đường tiếp vận vũ khí và đạn được vào Debaltseve.
Tuy nhiên, thay vì ra lệnh cho một cuộc rút quân có kiểm soát trong khi con đường thoát ra Debaltseve vẫn còn mở thì giới tướng lĩnh Ukraine lại phớt lờ thực tế, ra lệnh cho binh lính cố thủ, cầm cự và chiến đấu. Vào ngày 10/2, lực lượng ly khai đã chiếm được thị trấn nhỏ Logvinovo – một địa điểm chiến lược chứa đường cao tốc nối vào Debaltseve, và rõ ràng hàng ngàn binh lính Ukraine giờ đây đã bị bao vây.
Trong khi tình hình ở Debaltseve đối với quân lính Ukraine được đánh giá là không thể cầm cự tiếp, vẫn có một cơ hội cho Kiev để thực hiện một cuộc rút quân có trật tự khỏi Debaltseve. Trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận Minsk thứ 2, Tổng thống Poroshenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin được cho là đã dành nhiều giờ đồng hồ để tranh luận về việc liệu Debaltseve có thực sự “bị bao vây”.
Nhất định không chịu chấp nhận thực tế, Tổng thống Poroshenko đã bỏ qua cơ hội chấp nhận đề xuất rút quân khỏi Debaltseve theo thỏa thuận ngừng bắn. Ông Poroshenko sau đó đã khiến sai lầm thêm trầm trọng khi đồng ý đẩy thời hạn ngừng bắn xa hơn vào 48 giờ đồng hồ sau đó. Không ngạc nhiên, quân ly khai đã tận dụng thời gian này để thắt chặt thòng lọng quanh lực lượng Kiev. Kết quả là binh lính Ukraine phải tháo chạy trong tan tác, bỏ lại cả những người đồng đội bị thương, thiệt mạng cùng vũ khí, phương tiện quân sự.
Đáng nói là đây không phải lần đầu tiên giới tướng lĩnh Ukraine để binh lính của mình bị bao vây thay vì rút về nơi có khả năng phòng thủ tốt hơn. Thảm họa ở chiến trường Ilovaisk hồi tháng 7 năm ngoái là một ví dụ như thế. Tướng lĩnh Ukraine đã hy sinh binh lính của mình bằng cách không thừa nhận thực tế họ bị bao vây.
Lính Ukraine chế nhạo Tổng thống
Tại sao binh lính Ukraine liên tiếp bị đẩy vào tình thế bị bao vây ở những chiến trường nguy hiểm như vậy và quân đội nên cải cách thế nào để tránh những thảm họa “kiểu Debaltseve"? Ông Gressel tin rằng, Tổng thống Poroshenko nên bắt đầu bằng việc sa thải ngay lập tức Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine. "Tôi biết những nhân vật ngồi trong những vị trí hàng đầu của quân đội đó đều là những nhân vật thuần túy chính trị. Họ có được các vị trí đó nhờ vào mối quan hệ con ông, cháu cha", ông Gressel nói.
Tuy nhiên, giới tướng lĩnh quân sự không phải là lực lượng duy nhất bị chỉ trích. Tổng thống Ukraine cũng trở thành mục tiêu chế giễu của binh lính. Trong khi trận thảm bại ở Debaltseve là một cú thụt lùi đối với Kiev thì việc ông Poroshenko cố tình tìm cách tô vẽ để biến thất bại đó thành một chiến thắng đã khiến binh lính tức giận.
Tổng thống Poroshenko tuyên bố chính ông là người đã ra lệnh cho quân đội rút khỏi Debaltseve. Ông này khẳng định, “không hề có cuộc bao vây nào và binh lính của chúng tôi đã rời khu vực theo một cách thức trật tự và có kế hoạch với toàn bộ vũ khí của mình”.
Những tuyên bố trên của ông Poroshenko được chứng minh là hoàn toàn giả dối. Rất nhiều phóng viên phương Tây đã tận mắt chứng kiến cảnh binh lính Ukraine tháo chạy tan tác khỏi chiến trường Debaltseve. Họ khẳng định, đó chắc chắn không phải là một cuộc rút lui có trật tự. Lực lượng Kiev tháo chạy theo từng nhóm nhỏ, thậm chí nhiều người chạy bộ băng qua các cánh đồng và cánh rừng để trốn khỏi vòng vây của quân ly khai bằng bất kỳ giá nào.
Không có gì ngạc nhiên khi binh lính trên tiền tuyến chế nhạo tuyên bố của Tổng thống Poroshenko về việc “không có sự bao vây”. Lời chế nhạo này lan ra khắp chiến trường.
Kiệt Linh -
(theo Moscow Time)
Ý kiến bạn đọc