(VnMedia) - Khoảng 10.000 người châu Âu có thể sẽ gia nhập lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS vào cuối năm nay. Tới mùa hè này sẽ có khoảng 5000 người. Đó là con số ước tính vừa được Thủ tướng Pháp Valls Manuel đưa ra trong bối cảnh giới chức châu Âu đang hết sức lo ngại về sự lớn mạnh của nhóm khủng bố khét tiếng thế giới IS.
“Hiện đang có khoảng 3000 người châu Âu đang có mặt tại Iraq và Syria. Và từ giờ đến mùa hè, con số này có thể lên tới 5000 người và con số sẽ đạt tới 10.000 trước cuối năm nay”, Thủ tướng Pháp Manuel Valls tiết lộ với kênh truyền hình iTele của Pháp.
Ông Valls cho biết: "Có gần 90 người Pháp đã thiệt mạng ở đây khi trên tay cầm vũ khí chiến đấu lại chính giá trị của mình".
Theo hãng tin RT, hồi cuối tháng 11 năm ngoái, Pháp đã thông qua luật chống khủng bố mới, song luật này mới chỉ có hiệu lực vào tháng 2 năm nay khi chính phủ tịch thu hộ chiếu của 4 công dân nước này và áp đặt lệnh cấm xuất ngoại với 40 công dân khác để ngăn chặn họ tới Syria hay Iraq nhằm gia nhập IS.
“Chúng ta đang đối mặt với mức độ đe dọa cực kỳ cao tại Pháp, tại châu Âu và một số nước khác”, Thủ tướng Valls nói thêm.
Pháp không phải quốc gia duy nhất trên thế giới có mối lo ngại trên. Trước đó, hôm qua (8/3), Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Đức – ông Christof Gram cũng lên tiếng bày tỏ nỗi lo lắng về việc các chiến binh thánh chiến có thể gia nhập các lực lượng vũ trang ở Đức và xem đây là lò đào tạo, huấn luyện trước khi tới Syria, Iraq đầu quân cho các tổ chức khủng bố.
"Chúng tôi đã nhận thức được mối nguy cơ quân đội Đức có thể bị lợi dụng để trở thành trại huấn luyện cho các chiến binh thánh chiến", ông Gram bình luận, đồng thời thêm rằng, cần phải đổi mới quy trình kiểm tra các tân binh tham gia nghĩa vụ quân sự và củng cố lòng trung thành của họ.
Theo ông Gram, chính quyền Đức vẫn theo dõi sát sao các mối liên hệ của những tín đồ Hồi giáo trong nước với các nhóm khủng bố ở Iraq và Syria. Ông cho biết, tổng cộng đã có tới 600 tín đồ Hồi giáo rời khỏi Đức để gia nhập các nhóm chiến binh thánh chiến ở Syria và Iraq, trong đó có khoảng 20 người là các cựu quân nhân Đức.
Theo RT, có khoảng 70 chiến binh thánh chiến đến từ Đức đã thiệt mạng và ít nhất 10 người đã tự sát khi thực hiện các hành động khủng bố. Ngoài ra, còn có khoảng 180 chiến binh trở về từ các vùng chiến sự đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh Đức khi họ có thể truyền bá tư tưởng cực đoan cho những người khác cũng như tự tiến hành các hoạt động khủng bố.
Mối lo sợ của châu Âu về các hành động khủng bố mới đã tăng đáng kể kể từ khi xảy ra thảm họa ở tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo của Pháp.
Theo đó, số lượng người tình nguyện gia nhập Nhà nước Hồi giáo đã tăng “đột biến” từ cuối năm ngoái, trong đó Pháp, Đức, và Anh đang có con số kỷ lục người “đầu quân” cho lực lượng khủng bố này ở Syria. Gần đây nhất là trường hợp 3 cô gái trẻ người Anh đã rời London tới Istanbul để tìm đường tới Syria. Tên đao phủ khát máu khét tiếng của IS - Jihadi John , có tên thật là Mohammed Emwazi, kẻ thường xuất hiện trong các video chặt đầu con tin man rợ của IS được cho cũng là công dân Anh. Được biết, phụ nữ hiện chiếm khoảng 10% trong số 600 tín đồ Hồi giáo người Anh đầu quân cho IS.
Theo RT, Nhà nước Hồi giáo đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như Twitter, Facebook và Ask.fm làm công cụ hữu hiệu để tuyển tân binh.
Hai tổ chức khủng bố "bắt tay nhau" - cơn ác mộng toàn thế giới
Trong một diễn biến liên quan, hôm 7/3, nhóm phiến quân Boko Haram khét tiếng ở Nigeria cũng đã cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo IS.
Hãng tin Reuters đưa tin, một đoạn băng dài 8 phút được cho xuất phát từ thủ lĩnh của tổ chức này, Abubakar Shekau đã được đăng tải trên trang Twitter của hắn.
Đoạn băng có đoạn: "Chúng tôi tuyên bố trung thành với thủ lĩnh của người Hồi giáo, Ibrahim ibn Ibrahim ibn Awad al-Husayni al-Qurashi (đề cập đến chính là thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi – PV), bày tỏ sẵn sàng lắng nghe và tuân phục IS.
Tuy nhiên, hiện truyền thông phương Tây đều chưa thể xác định đó có phải là tuyên bố chính thức của Boko Haram hay không. Phía IS cũng chưa đưa ra phản ứng nào về mong muốn trung thành của Boko Haram. Tuy nhiên đây có thể xem là một bước tiến nữa của tổ chức cực đoan này trong việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng ngoài Iraq và Syria.
Nhà nước Hồi giáo (IS) gồm các phần tử cực đoan kiểm soát nhiều khu vực ở Syria và Iraq. Tổ chức này liên tiếp gây ra các vụ hành quyết con tin nước ngoài trong thời gian gần đây.
Kể từ khi phiến quân Hồi giáo IS mở rộng lãnh địa, nhiều tổ chức thánh chiến, cực đoan ở Ai Cập, Libya, Algeria, Yemen và Ả Rập Xê Út đều đã tuyên bố trung thành với tổ chức này.
Tuy nhiên, việc hai tổ chức Hồi giáo khủng bố tàn ác nhất bắt tay nhau đã trở thành sự kiện chấn động.
Giám đốc trung tâm SITE Rita Katz cho rằng, Boko Haram sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho Nhà nước Hồi giáo trong việc khai thác cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tiềm năng quân sự của tổ chức này để mở rộng hoạt động khủng bố. Điều này có thể sẽ trở thành “cơn ác mộng” của toàn thế giới, nhất là Mỹ và châu Âu.
Thành lập năm 2002, Boko Haram bắt đầu các chiến dịch quân sự nhằm xây dựng quốc gia Hồi giáo riêng ở miền bắc Nigeria. Để thực hiện điều này, Boko Haram thường xuyên tiến hành các vụ đánh bom khủng bố, răn đe người dân Nigeria.
Ý kiến bạn đọc