Phản ứng bất ngờ của Đức trước cầu cứu của Kiev

11:59, 17/03/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã nói trên tờ nhật báo lớn của Đức rằng Kiev rất cần sự giúp đỡ của Đức. Đáp lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra một phát biểu gây bất ngờ rằng mục đích chính của Berlin là đưa Crimea về lại với Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Ukraine Poroshenko (bên trái) và nữ Thủ tướng Đức Merkel


Trả lời phỏng vấn tờ nhận báo Bild của Đức số ra ngày hôm qua (16/3), Tổng thống Poroshenko đã nói rằng ông sẽ đề nghị Thủ tướng Đức Angela Merkel cung cấp sự giúp đỡ về mặt quân sự không gây sát thương cho Kiev trong chuyến thăm đến Berlin. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng, thoả thuận Minsk đã bị vi phạm hơn 1.000 lần.
 
Trước khi khẩn cầu Đức giúp đỡ, ông Poroshenko lại một lần nữa chĩa mũi dùi chỉ trích về phía Nga. Ông này nói rằng, Nga “không còn biết gì đến những lằn ranh đỏ” trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Tổng thống Poroshenko cho biết, 68 binh lính Ukraine và 380 người khác bị thương kể từ khi lệnh ngừng bắn Minsk mới nhất được thực thi, nói rằng lệnh ngừng bắn đó “tổng cộng đã bị vi phạm 1.100 lần”.
 
"Toàn thể thế giới cần phải hiểu rằng Nga đang phát động một cuộc chiến tranh chống Ukraine. Nó đươc khơi mào bởi lực lượng ly khai được Nga ủng hộ, hậu thuẫn về vũ khí hồi đầu năm 2014. Và kể từ hồi mùa hè, binh lính chính quy của Nga đã có mặt ở Ukraine – hàng chục nghìn quân. Cách duy nhất để ngăn chặn cuộc chiến này là rút toàn bộ quân đội Nga”, ông Poroshenko đã tố cáo như vậy.
 
Tổng thống Ukraine đã nói với tờ Bild rằng ông sẽ đề nghị nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cung cấp cho Kiev những phương tiện, thiết bị quân sự không gây sát thương như radar, máy bay không người lái, bộ đàm, kính nhìn ban đêm và áo chống đạn.
 
Nhà lãnh đạo 49 tuổi cho rằng, thoả thuận Minsk “không có tác dụng” đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga, ít nhất là cho đến cuối năm nay. Khi được hỏi về khả năng bùng phát xung đột quốc tế ở diện rộng hơn từ Ukraine, ông Poroshenko trả lời, "chúng ta phải gỡ bỏ chiếc kính màu hồng đeo ở trên mắt để thừa nhận thực tế rằng cấu trúc an ninh bảo đảm cho hoà bình ở Châu Âu trong 70 năm qua đã không còn có tác dụng".
 
Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Poroshenko đã nói đến cái mà ông này miêu tả là “sự bất lực” của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - nơi Nga là một thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.
 
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát, Kiev cùng với các đồng minh phương Tây luôn đổ lỗi cho Nga. Các nước này cáo buộc Moscow đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng và kích động gây ra cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Kiev và phương Tây luôn cáo buộc Nga cung cấp vũ khí và binh lính cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân Kiev.
 
Bất ngờ phản ứng của Đức trước lời cầu cứu của Tổng thống Ukraine
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua đã khiến người ta bất ngờ khi tuyên bố mục đích của Đức là đưa bán đảo Crimea trở lại Ukraine. Tuyên bố này được đưa ra dúng một năm sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga.
 
Phát biểu sau các cuộc hội đàm ở thủ đô Berlin với Tổng thống Ukraine Poroshenko, bà Merkel cho biết, vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hôm 19/3 là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và gây ra “sự hoài nghi về trật tự hoà bình ở Châu Âu”.
 
“Việc nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hoà bình và không ngừng nghỉ cho đến khi khôi phục chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ hoàn toàn của Ukraine, tất nhiên bao gồm bán đảo Crimea, là điều rất quan trọng”, nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức đã nói như vậy.
 
Cứng rắn hơn, bà Merkel còn nói rằng, nếu cần thiết, Liên minh Châu Âu sẵn sàng tung ra thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì hành động của nước này ở Ukraine. "Chúng tôi không muốn điều đó. Tuy nhiên, nếu không còn cách nào khác thì chúng tôi sẵn sàng tung ra thêm các biện pháp trừng phạt”, Thủ tướng Đức đã nói như vậy.
 
Cũng trong ngày hôm qua, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã nói với hãng tin DPA rằng Ukraine vẫn có thể trông chờ vào “sự giúp đỡ toàn diện” của Đức. Ông Steinmeier cũng kêu gọi ông Poroshenko tiến hành các cải cách chính như giảm nạn tham nhũng ở thủ đô Kiev.
 
Tuy nhiên, trái ngược với phát biểu của Tổng thống Ukraine Poroshenko về việc lệnh ngừng bắn Minsk không có tác dụng thì giới chức chính quyền Đức thừa nhận, thoả thuận Minsk đang giúp hạ nhiệt căng thẳng, giảm đáng kể tình trạng bạo lực ở đất nước Ukraine.
 
Một phát ngôn viên của chính phủ Ukraine hôm cho hay, thoả thuận Minsk do Đức và Pháp đứng ra làm trung gian hồi tháng trước đã giúp giảm các vụ bạo lực, giao tranh, đụng độ ở miền đông Ukraine.
 
"Kể từ khi chúng ta nhất trí với nhau về gói các biện pháp ở Minsk hồi tháng 2, chúng ta có thể nói rằng việc sử dụng bạo lực quân sự ở miền đông Ukraine đã giảm rõ rệt". phát ngôn viên của Thủ tướng Đức – ông Steffen Seibert đã nói như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ của chính phủ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc