Nóng mặt với Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ ra tay?

15:01, 20/03/2015
|

(VnMedia) - Các thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ hôm qua (19/3) đã bày tỏ sự quan ngại trước quy mô và tốc độ tiến hành các hoạt động cải tạo, xây dựng và bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì thế, họ đã kêu gọi Mỹ xây dựng một chiến lược chính thức để ngăn chặn hành động của Trung Quốc.
 

Ảnh minh họa

Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông


Trong một bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, hai Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hoà John McCain và Bob Corker cùng với hai Thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ Jack Reed và Bob Menendez đã nói rằng, nếu không có một chiến lược toàn diện để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông thì “những lợi ích lâu dài của Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác sẽ bị đe doạ nghiêm trọng".
 
Theo các thượng nghị sĩ Mỹ, hoạt động xây dựng và bồi đắp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông đã giúp quốc gia đông dân nhất thế giới mở rộng tầm với về quân sự và “gây ra một mối đe doạ trực tiếp, không chỉ đối với lợi ích của Mỹ và khu vực mà đối với toàn thể cộng đồng quốc tế”.
 
Bức thư của các Thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ cho hay, bãi Đá Gaven đã tăng lên khoảng 114.000 mét vuông trong năm vừa qua và Đá Gạc Ma từng bị chìm dưới nước hiện giờ đã trở thành hòn đảo rộng 100.000 mét vuông. Trong khi bãi Chữ Thập đã tăng về quy mô lên hơn 11 lần kể từ hồi tháng 8.
 
"Trong khi các nước khác đã xây dựng trên những bãi đá đó, thì Trung Quốc đang thay đổi quy mô, cấu trúc và tính chất của những vùng đất này. Đây là một sự thay đổi về chất dường như là nhằm để thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông”, bức thư của các Thượng nghị sĩ Mỹ cho hay.
 
4 Thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm quân sự hoá các đảo nhân tạo đều có thể “gây ra những hậu quả nghiêm trọng” và có thể khuyến khích Trung Quốc thêm bạo gan để tuyên bố một vùng phòng không mới ở Biển Đông giống như nước này đã làm hồi năm 2013 ở khu vực tranh chấp với Nhật Bản.
 
Các Thượng nghị sĩ đứng đầu Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ và Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tin rằng cần phải có một chiến lược trong đó vạch ra “những hành động cụ thể mà Mỹ có thể làm để làm giảm tốc độ hoặc ngăn chặn những hoạt động bồi đắp của Trung Quốc...”.
 
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn liếm sâu vào bên trong trung tâm biển của Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
 
Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm DOC đã được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó
 
Nhiều học giả có uy tín của quốc tế tham gia Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông ở thành phố Đà Nẵng hồi cuối năm ngoái cũng đã lên tiếng cảnh báo, việc Trung Quốc mở rộng bồi đắp quy mô lớn các bãi đá ở Trường Sa sẽ làm “thay đổi cuộc chơi”, làm gia tăng yêu sách, gia tăng cạnh tranh nước lớn và nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.

Philippines cũng đã lên án gay gắt Trung Quốc về việc mở rộng hoạt động bồi đắp đảo trên Biển Đông. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino mô tả hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc là “rất nghiêm trọng”, vi phạm thỏa thuận của các nước trong khu vực về việc không xây dựng cấu trúc mới trên Biển Đông.
 
Cùng với đó, các quan chức cấp cao của Mỹ cũng liên tiếp lên tiếng. Hôm 4/3, Đô đốc Harry Harris Jr – người chịu trách nhiệm về hoạt động của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đã bày tỏ: "Tôi rất quan ngại khi thấy quá trình bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tôi cho rằng, đó là hành động khiêu khích và nó khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Tôi rất lo ngại về điều đó. Đối với tất cả chúng tôi, chúng tôi lo ngại về sự tự do hàng hải. Nó khiến chúng tôi phải chú ý đến những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông và hoạt động bồi đắp, xây dựng, cải tạo dồn dập của nước này. Những hành động đó trên thực tế đang làm thay đổi thế nguyên trạng và những dữ liệu thực tế ở đây”.
 
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ - ông James Clapper hôm 26/2 đã thẳng thừng tố cáo rằng Trung Quốc đang mở rộng các tiền đồn ở Biển Đông, trong đó có cả căn cứ cho tàu và những sân bay tiềm năng như một phần của nỗ lực “hung hăng” nhằm tranh giành chủ quyền.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc