(VnMedia) - Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản hôm nay (25/3) đã chính thức tiếp nhận chiếc tàu chiến lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Đó là một tàu khu trục trực thăng lớn bằng tàu sân bay của Hải quân Nhật Bản từng đấu với Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tàu Izumo |
Tàu chiến Izumo với thủy thủ đoàn lên tới 470 người là một minh chứng rất sinh động về việc Nhật Bản đang mở rộng năng lực quân sự đến mức nào ở ngoài biển khơi. Chiếc tàu “khủng” của Nhật Bản đã được đưa vào biên chế của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách tập hợp sự ủng hộ của các nghị sĩ trong Quốc hội cho việc nới lỏng những rào cản và sự kiểm soát đối với quân đội Nhật Bản theo hiến pháp hòa bình thời hậu chiến tranh.
Tàu Izumo mà Nhật Bản vừa tiếp nhận dài 250m và có trọng lượng nước rẽ là 27.000 tấn. Con tàu khổng lồ này của Nhật có thể mang tới 14 chiếc trực thăng và nó được ví là không khác gì một chiếc tàu sân bay – loại tàu được ví là bá chủ của đại dương.
Tàu chiến Izumo giống với những chiếc tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Mỹ về quy mô nhưng nó được thiết kế như một tàu khu trục trực thăng – một tên gọi cho phép Nhật Bản né được lệnh cấm được đưa ra trong hiến pháp hòa bình. Theo đó, Nhật Bản không được sở hữu những phương tiện có thể gây chiến tranh. Các tàu sân bay với sức mạnh vượt trội của mình được coi là vũ khí tấn công.
"Tàu Izumo có thể thực hiện rất nhiều vai trò và nhiệm vụ, trong đó có chiến dịch gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo quốc tế và cứu trợ thảm họa”, Tướng Nakatani – Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố khi đứng cạnh chiếc tàu chiến mới trong buổi lễ bàn giao con tàu cho Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tại xưởng đóng tàu Japan United Marine ở Yokohama.
"Con tàu mới cũng sẽ giúp nâng cao năng lực của chúng tôi trong việc chiến đấu chống lại những chiếc tàu ngầm”, ông Nakatani nói thêm.
Chiếc tàu chiến khổng lồ Izumo sẽ đóng tại căn cứ hải quân
Nhật Bản đã lần đầu tiên trình làng chiếc tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II từ hồi tháng 8 năm 2013.
Sự kiện Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tiếp nhận chiếc tàu chiến lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang ở trạng thái căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu chiến Izumo được đánh giá sẽ là “con át chủ bài” của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản trong thời gian tới.
Hiện Trung Quốc chưa đưa ra lời bình luận gì về sự kiện trên. Tuy nhiên, khi lần đầu tiên Nhật Bản hé lộ về chiếc tàu chiến Izumo năm 2013, Trung Quốc đã phản ứng rất dữ dội.
Phản ứng của Trung Quốc khi đó đã cho thấy sự lo ngại đặc biệt của cường quốc số 1 Châu Á về sức mạnh quân sự của Nhật Bản.
Sự lo lắng của Bắc Kinh là có lý do. Với Izumo, chính quyền của Thủ tướng Abe đã bổ sung vào cho lực lượng quân sự của mình một chiếc tàu chiến khổng lồ, thiện chiến và hiện đại trong bối cảnh Nhật Bản đang đối đầu gay gắt và quyết liệt với Trung Quốc vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Trong bối cảnh như vậy, Bắc Kinh tin rằng, tàu chiến mới của Nhật Bản là nhằm vào họ.
Có một yếu tố nhạy cảm mà báo chí Trung Quốc từng nhắc đến, đó là tên của tàu chiến mới của Nhật được đặt tên theo chiếc tàu chỉ huy của hạm đội Nhật Bản từng tấn công vào Trung Quốc những năm 1930. Bắc Kinh cho rằng, cách đặt tên tàu chiến của Nhật Bản mang tính “khiêu khích” bởi nó liên quan đến cuộc xâm lược Trung Quốc cách đây mấy chục năm.
Trung Quốc còn lo ngại về tàu Izumo bởi nó thực ra chẳng khác gì một con tàu sân bay. Bắc Kinh tin rằng, tàu Izumo là “tàu sân bay trá hình” và sự ra đời của con tàu này là để nhằm vào chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – Liêu Ninh.
Trong khi tàu Izumo được đánh giá là rất mạnh bởi Nhật Bản sở hữu trong tay công nghệ đóng tàu chiến tối tân thì tàu tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc không được đánh giá cao. Thậm chí, nhiều chuyên gia quân sự còn miêu tả tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc giống như “một con hổ giấy”, chỉ mang tính biểu tượng chứ chưa có khả năng chiến đấu thực thụ.
Việc Thủ tướng Abe thúc đẩy việc nới lỏng hiến pháp hòa bình cùng những nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội Nhật Bản đã khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên”.
Ngoài tàu Izumo, Nhật Bản đang thêm vào năng lực quốc phòng của mình những chiếc máy bay tuần tra tầm xa, máy bay vận tải quân sự hiện đại, chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ, phương tiện tấn công đổ bộ và máy bay Osprey...
Hiện tại, Nhật Bản đã có trong tay một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất trong khu vực với tàu chiến, vũ khí thiện chiến và đội ngũ binh lính tinh nhuệ.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Quần đảo này được cho là chứa các nguồn khoáng sản lớn và nguồn cá dồi dào đồng thời là nơi gần với các tuyến đường biển quan trọng. Trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc, Nhật Bản đã tỏ rõ thái độ cứng rắn, nhất quyết không chịu lùi bước.
Ý kiến bạn đọc