Ngang ngược ở Biển Đông, Trung Quốc còn bào chữa

08:17, 09/03/2015
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Trung Quốc hôm qua (8/3) đã lên tiếng bảo vệ cho chính sách ngang ngược, bất chấp tất cả của nước này trong việc cải tạo, bồi đắp và xây dựng ở Biển Đông. Chính sách này đang gây ra sự quan ngại đặc biệt của khu vực và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cho rằng, hành động của họ không nhằm vào bên thứ ba nào và rằng Bắc Kinh không có ý định làm đảo lộn trật tự quốc tế.

 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Trung Quốc


Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cố tìm cách trấn an nỗi quan ngại và bất an ngày càng lớn của các nước Đông Nam Á về tham vọng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, những hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng đang được đẩy mạnh nhanh chóng và cấp tập ở quần đảo Trường Sa trong thời gian qua của Trung Quốc đã phơi bày ý định và tham vọng tranh giành Biển Đông, xác lập chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông của nước này.

 

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn liếm sâu vào bên trong trung tâm biển của Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

 

Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa. Hoạt động này ngày càng lộ rõ khi mà Chủ tịch Tập Cận Bình vừa cam kết chi ra hơn 120 tỉ USD để lập quỹ cho khu vực Đông Nam Á và Trung Á.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng năm bên lề cuộc họp Quốc hội đang diễn ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi đã lên tiếng bào chữa cho hành động phi pháp, ngang ngược của họ ở quần đảo Trường Sa khi nói rằng Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động xây dựng “cần thiết” và không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào.

 

"Chúng tôi không giống như một số nước khác tiến hành ‘xây dựng bất hợp pháp’ trong nhà của người khác, và chúng tôi sẽ không chấp nhận những lời bình luận không xác đáng về công việc của chúng tôi ở trong nhà của chúng tôi”, ông Wang Yi đã trắng trợn nói như vậy nhằm đáp trả những lời chỉ trích đang ngày một tăng lên của các nước về hành động ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc khi tiến hành bồi đắp, xây dựng cải tạo trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

 

Những bước đi trên cùng lập trường ngày một cứng rắn, hung hăng của Trung Quốc đang gây lo ngại ở Washington, Tokyo và một số thủ đô của Đông Nam Á về việc Bắc Kinh đang tìm cách chơi một mình một luật ở Biển Đông, phớt lờ mọi tiêu chuẩn quốc tế trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang ra sức tìm kiếm một vị thế toàn cầu tương xứng với sức mạnh kinh tế mới của Trung Quốc.

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Wang nói rằng, ông này tin là hệ thống hiện nay cần được cải thiện hơn là bị lật đổ để cho phép các nước đang phát triển có nhiều tiếng nói hơn. Ông Wang đã so sánh trật tự và hệ thống quốc tế hiện nay được xây dựng xung quanh tổ chức Liên Hợp Quốc giống như một con thuyền lớn.

 

"Ngày nay, chúng ta đang ngồi chung trong con thuyền này với hơn 190 nước khác nhau. Vì thế, tất nhiên, chúng tôi không muốn lật đổ con thuyền này. Thay vào đó, chúng tôi muốn bắt tay hợp tác với các hành khách khác để đảm bảo con thuyền sẽ tiến lên phía trước một cách mạnh mẽ và đúng hướng".

 

Cũng giống như mọi lần, giới chức Trung Quốc luôn luôn đưa ra những lời lẽ phát biểu đầy hay ho về hòa bình, về trật tự thế giới, về sự bình đẳng giữa các nước.... Nhưng đáng tiếc rằng, lời nói của Trung Quốc không đi đôi với hành động mà trên thực tế thường đối ngược, mâu thuẫn với nhau.

 

Quần đảo Trường Sa rõ ràng thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam . Vậy mà Trung Quốc dám tuyên bố là họ đang xây dựng, bồi đắp, cải tạo trên “đất” của họ khi thực hiện các dự án phi pháp ở quần đảo Trường Sa.

 

Mới đây, hôm 5/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép trên các bãi, đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng cho biết: “Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm DOC đã được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc