Nga không muốn vùi dập Ukraine

16:12, 05/03/2015
|

(VnMedia) - Nga không muốn đánh chìm nền kinh tế èo uột của Ukraine và điều đó được thể hiện thông qua việc nước này sẵn sàng tiếp tục bán khí đốt cho Ukraine, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - bà Christine Lagarde hôm 3/3 đã phân tích như vậy.
 

Ảnh minh họa

Donbas - trung tâm công nghiệp của Ukraine đã bị tàn phá nặng nề


Thậm chí kể cả khi Kiev đang chiến đấu chống lại lực lượng ly khai ủng hộ Moscow ở miền đông Ukraine thì họ vẫn nên tiếp tục nhờ đến sự ủng hộ, giúp đỡ từ Nga để đưa nền kinh tế hồi phục trở lại, bà Lagarde cho hay.
 
"Ukraine đang ở trong tình trạng rất, rất khó khăn”, Giám đốc IMF cho biết trên đài truyền hình MSNBC.
 
"Trong 22 hay 23 năm qua, chúng tôi đã làm việc với Ukraine nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi làm việc với một nhóm người thực sự quyết tâm muốn cải cách nền kinh tế”, bà Lagarde cho hay.
 
Theo Giám đốc IMF, việc cố gắng tìm cách thực hiện các chương trình cải cách theo chương trình cứu trợ tài chính của IMF trong khi vẫn đang chiến đấu trong một cuộc chiến với lực lượng ly khai ở miền đông “giống như người ta đang phải cố gắng bước đi khi mang trên vai một gánh vác rất nặng".
 
Tuy nhiên, bà Lagarde thừa nhận rằng, ít nhất về mặt kinh tế, Moscow đang giúp đỡ cho nước láng giềng Ukraine bằng cách không bắt nước này phải trả ngay lập tức khoản nợ 3 tỉ USD mà Kiev vẫn còn nợ Nga đồng thời Moscow cũng đồng ý với một thoả thuận mới về việc tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ukraine.
 
"Tôi cho rằng Nga không muốn Ukraine sụp đổ bởi tôi không nghĩ điều đó có lợi cho Nga. Bởi vì Nga là một nhà cung cấp, bởi vì Nga là một chủ nợ và bởi vì cuối cùng Nga muốn được trả tiền, được trả nợ", Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhấn mạnh.
 
"Bạn muốn được trả lại tiền và vì thế có một thoả thuận giữa Nga và Ukraine về vấn đề thanh toán các khoản nợ khí đốt, thoả thuận về việc thanh toán trước cho các hoá đơn khí đốt", bà Lagarde nói thêm.
 
Giám đốc IMF còn cho rằng, số phận của đất nước Ukraine gắn chặt với việc giải quyết cuộc xung đột giữa Kiev với lực lượng ly khai miền đông Ukraine bất chấp việc quốc gia Đông Âu có được sự trợ giúp tài chính mạnh mẽ từ IMF và các chính phủ phương Tây.
 
"Điều chúng tôi đang cố gắng là giúp đỡ Ukraine bằng một loạt cuộc cải cách... Tuy nhiên, tất cả những điều này thực sự sẽ phải phụ thuộc vào việc đất nước Ukraine sẽ ổn định tình hình ở miền đông Ukraine như thế nào” và sẽ kết thúc cuộc chiến như thế nào, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhấn mạnh.
 
Nền kinh tế Ukraine đang trên bờ vực sụp đổ
 
Trong khi phải đối mặt với cuộc chiến ở miền đông Ukraine, Kiev còn phải đối diện với một  nền kinh tế đang trên bờ vực của sự sụp đổ.
 
Đồng tiền của Ukraine – hryvnia đã mất gần 70%  giá trị so với đồng USD chỉ trong một năm. GDP đã giảm 7% trong năm 2014.
 
Và trong khi Ukraine nhận được khoản cứu trợ tài chính quốc tế lên tới 40 tỉ USD thì cơ hội để nước này hồi phục nhanh là rất nhỏ. Có nhiều nguyên nhân khiến nền kinh tế Ukraine đang trên bờ vực của sự phá sản.
 
Nạn tham nhũng đang làm cạn kiệt nền kinh tế Ukraine. Ukraine xếp thứ 142 trong tổng số 175 nước trong Danh sách Minh bạch Quốc tế. Đây là danh sách xếp loại những nước minh bạch nhất thế giới và những nước tham nhũng nhất thế giới.
 
Thậm chí, chính phủ Kiev cũng phải thừa nhận tình hình thật tồi tệ. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho hay, chính phủ mất khoảng 10 tỉ USD mỗi năm vì nạn tham nhũng.
 
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đồng ý cung cấp khoản viện trợ khẩn cấp 17,5 tỉ USD cho Ukraine với điều kiện nước này phải tiến hành các cải cách kinh tế. Chính quyền Kiev đã qua được đợt cải cách đầu tiên trong tuần này, trong đó có việc tăng giá khí đốt và cắt giảm lương hưu. Chính phủ Kiev cũng cần phải giảm các khoản nợ của mình. Hiện khoản nợ của Kiev đứng ở mức 100% GDP của đất nước.
 
Tuy nhiên, những cải cách của IMF phần lớn không được người dân ở Ukraine ủng hộ. "Nếu Ukraine tiếp tục chương trình cải cách, nước này có thể vượt qua những khó khăn”, nhà kinh tế thị trường mới nổi Liza Ermolenko cho biết đồng thời thêm rằng đây không phải là lần đầu tiên chính quyền kiev cố gắng cải cách nền kinh tế.
 
"Tuy nhiên, những cuộc biểu tình đã buộc chính phủ phải lùi bước. Điều đó đã từng xảy ra trước đây”, bà Ermolenko nói.
 
Ngành ngân hàng Ukraine là một trong những phần yếu nhất trong nền kinh tế nước này. Tỉ lệ lãi suất chính cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây và các chuyên gia ước tính nợ xấu chiếm đến 1/3 và 1/2 tài sản của các ngân hàng.
 
Hơn 40 ngân hàng đã tuyên bố phá sản kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng lên với ngân hàng lớn thứ 4 Ukraine - Delta Bank vừa “ra đi” hồi đầu tuần.
 
Cuộc chiến ở miền đông Ukraine đã khiến nền kinh tế nước này thêm què quặt.
 
Donbass (từ dùng chỉ các khu vực miền đông Ukraine) là trung tâm công nghiệp của Ukraine. Hiện tại, nơi đây là một trong những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất trong cuộc xung đột.
 
Gần như toàn bộ ngành sản xuất thép – một trong những động lực chính của xuất khẩu Ukraine – đóng tại miền đông. Tương tự như vậy, ngành khai thác mỏ và năng lượng cũng tập trung ở miền đông Ukraine.
 
Sản lượng công nghiệp của Ukraine đã giảm hơn 10% trong năm 2014 do cuộc chiến ở miền đông đã khiến nhiều mỏ phải đóng cửa và nhiều nhà máy không còn được cung cấp nguyên vật liệu. Dự báo về nền kinh tế Ukraine trong năm nay không có bất kỳ dấu hiệu lạc quan nào. GDP được cho là sẽ giảm thêm 5% trong năm 2015.
 
Sự sụp đổ kinh tế ở Ukraine đang định hình. Giống như nhiều nước hậu Xô-viết khác, Ukraine không được tạo dựng để hoạt động độc lập với phần còn lại của Liên Xô.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc