Nga khiến phương Tây rối loạn như thế nào?

20:58, 10/03/2015
|

(VnMedia) - Thay vì khiến Nga lúng túng, loay hoay trong vòng vây và sự dồn ép của mình, phương Tây lại tự đẩy mình vào tình trạng rối loạn vì những bất đồng, mâu thuẫn liên tục nảy sinh trong các vấn đề liên quan đến chính sách đối phó với Nga và cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Mâu thuẫn mới nhất nổi lên trong nội bộ Châu Âu liên quan đến đề xuất của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker về việc thành lập một quân đội chung Châu Âu. Trong vấn đề này, người ta chứng kiến một sự bất đồng sâu sắc giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Âu với một bên là Đức ủng hộ việc thành lập một quân đội chung Châu Âu còn bên kia là Anh phản đối quyết liệt ý tưởng đó.
 
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Juncker đã gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt trên khắp Châu Âu sau khi ông này hôm 8/3 đưa ra gợi ý rằng Liên minh Châu Âu (EU) nên thiết lập một quân đội chung Châu Âu để chống lại Nga. Đề xuất của ông Juncker đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của giới chức lãnh đạo Anh. Các quan chức Anh tin rằng, ý tưởng của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu “không có triển vọng” đồng thời cho rằng những  người ủng hộ cho ý tưởng đó đang sống trong “một thế giới hoang tưởng”.
 
“Lập trường của chúng tôi là rất rõ ràng”, phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết đồng thời nói thêm rằng “phòng thủ là một trách nhiệm của mối quốc gia, không phải của EU và rằng không có triển vọng cho việc thành lập một đội quân Châu Âu. Cũng không có triển vọng về việc Anh sẽ thay đổi lập trường”.
 
Những phát biểu trên là câu trả lời của Anh cho đề xuất của ông Juncker.
 
Trước đó, hôm Chủ nhật (8/3), Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Juncker đã phát biểu trên tờ Welt am Sonntag của Đức rằng, “một quân đội chung Châu Âu sẽ phát đi thông điệp cho Nga rằng chúng tôi rất nghiêm túc trong việc bảo vệ các giá trị của Liên minh Châu Âu”.
 
Ông Juncker – cựu Thủ tướng Luxembourg, từ lâu đã ủng hộ cho ý tưởng thành lập một quân đội Châu Âu chung. Ông này đưa ra lập luận rằng, một quân đội như vậy sẽ giúp tạo dựng một chính sách đối ngoại thống nhất cho khu vực và từ đó giúp củng cố khái niệm về chủ nghĩa dân tộc toàn Châu Âu.
 
“Một quân đội như vậy sẽ giúp chúng ta vạch ra một chính sách an ninh và đối ngoại chung”, ông Juncker nói đồng thời thêm rằng “hình ảnh của Châu Âu đã bị suy yếu đi rất nhiều và xét trong vấn đề chính sách đối ngoại, chúng ta dường như không xem xét nó một cách đúng mức”.
 
Chính phủ Anh vốn đã luôn có sự cảnh giác, lo ngại về EU và cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp khiến nỗi lo ngại này càng tăng thêm.
 
“Một quân đội chung Châu Âu sẽ là thảm kịch cho nước Anh”, ông Mike Hookam – phát ngôn viên quốc phòng của Đảng Độc lập Anh đã nói như vậy với tờ Guardian. “Chúng ta đã chứng kiến đống lộn xộn bung bét mà EU tạo ra cho nền kinh tế của khu vực đồng euro, vì vậy làm sao chúng ta lại có thể nghĩ đến việc đặt sự tin tưởng vào liên minh trong vấn đề phòng thủ?”, ông Hookam phát biểu.
 
Nhiều quan chức Anh thể hiện lập trường phản đối gay gắt tương tự như ông Hookam về ý tưởng thành lập quân đội chung Châu Âu. Họ đều cho rằng một quân đội lộn xộn, hổ lốn như vậy sẽ không thể hoạt động hiệu quả được.
 
Phần lớn những người phản đối quyết liệt ý tưởng thành lập quân đội chung Châu Âu đều chỉ đến thực tế rằng các lợi ích của Châu Âu vốn đã được bảo vệ bởi NATO và rằng việc tạo thêm một quân đội chung Châu Âu sẽ chỉ gây rắc rối thêm cho hệ thống phòng thủ hiện nay. Ngoài ra, một quân đội chung Châu Âu sẽ rút lực lượng từ mỗi quốc gia thành viên và tiến trình đó có thể lôi binh lính Anh ra khỏi những vùng lãnh thổ mà một Châu Âu rộng lớn chẳng hề quan tâm đến việc phòng thủ, bảo vệ.
 
 “Nếu đất nước chúng ta đối mặt với một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng thì chúng muốn dựa vào lực lượng nào – NATO hay EU?. Câu hỏi này bản thân nó đã chính là câu trả lời”, chính khách theo đường lối bảo thủ của Anh – ông Van Orden cho biết.
 
Ông Hookem chỉ ra rằng, các binh lính Anh có thể bị lôi khỏi Gibraltar hay quần đảo Falkland mà Anh đang tranh chấp với Argentina. Ông Hookem còn cho rằng, một quân đội chung Châu Âu có thể lôi kéo Anh vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
 
Trong khi Anh phản đối một cách quyết liệt đề xuất thành lập quân đội chung Châu Âu thì Đức lại có phản ứng ngược lại. Các quan chức chính phủ Đức bày tỏ sự ủng hộ cho việc thiết lập một quân đội chung Châu Âu nhưng nói rằng một mục tiêu như vậy sẽ không thể đạt được trong một tương lai gần.
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ “một sự hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn và sâu sắc hơn ở Châu Âu”, nữ phó phát ngôn viên của bà Merkel – bà Christiane Wirtz đã nói như vậy trong một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin khi được đề nghị bình luận về đề xuất của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker.
 
Tuy nhiên, theo bà Wirtz, quân đội chung Châu Âu là một “dự án của tương lai” và rằng hiện Châu Âu không có kế hoạch cho việc đó.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã ra một tuyên bố nói rằng, tương lai Châu Âu của chúng ta một ngày nào đó sẽ là một quân đội chung Châu Âu”.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc