(VnMedia) - Nếu được cung cấp vũ khí của Mỹ, Ukraine cũng khó có thể đánh bại được quân đội của Nga, nhưng điều này có thể thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đó là tuyên bố vừa được chỉ huy của Quân đội Mỹ ở châu Âu đưa ra hôm qua (3/3).
Trong khi khẳng định Mỹ vẫn đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng tại Berlin, Thiếu tướng Ben Hodges của Mỹ nói rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ gây thêm áp lực cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Nga.
Ông lên tiếng: "Khi các bà mẹ chứng kiến những đứa con tham chiến tại Ukraine nhưng “một đi không trở về”, trong khi giá cả ngày càng leo thang, thì người dân Nga sẽ không tiếp tục ủng hộ chính phủ”.
Đến nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn đang cân nhắc việc liệu có cung cấp vũ khí phòng thủ và vũ khí sát thương cho Ukraine hay không song đã vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên NATO, trong đó có Pháp và Đức, do quan ngại điều này có thể làm leo thang hơn nữa cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Ukraine và phương Tây cáo buộc Moscow đang yểm trợ vũ khí và binh lính cho phe ly khai ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, Moscow đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên.
Ông Hodges không nói cụ thể Mỹ có ý định cung cấp những loại vũ khí nào cho Ukraine, chỉ nói rằng những gì Ukraine muốn chỉ là “những loại vũ khí có khả năng ngăn chặn xe tăng của Nga”.
Theo ước tính của ông này, Nga hiện đang triển khai khoảng 29.000 quân ở Crimea và 12.000 ở miền đông Ukraine.
Ông cho biết tại thời điểm hiện tại, kế hoạch đào tạo ba tiểu đoàn Ukraine đang bị tạm hoãn để xem xét liệu thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào tháng trước tại thủ đô Minsk của Belarus có được thực thi đầy đủ hay không.
Ông nói thêm rằng, là một phần của lực lượng phản ứng nhanh của NATO nhằm đối phó với những hành động của Nga ở Ukraine, Mỹ ã quyết định đưa một lữ đoàn xe bọc thép trở lại châu Âu, bao gồm khoảng 220 xe tăng và xe chiến đấu Bradley.
Ông Hodges cũng cho biết, trước đó ông đã đệ trình yêu cầu cho phép lữ đoàn trên đóng quân tại tại vùng Baltic, Đông Âu và Đức để sẵn sàng tham chiến khi được điều động. Tuy nhiên, yêu cầu trên vẫn đang chờ để được phê chuẩn.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey ngày 3/3 cũng góp thêm tiếng nói kêu gọi Washington cung cấp vũ khí cho Ukraine để hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến chống phe ly khai khi tuyên bố ủng hộ làm việc này thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đây là lần đầu tiên Tướng Dempsey tuyên bố ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine chống lại phe ly khai, tiếp sau những tuyên bố tương tự của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper. Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, ông Dempsey nói: "Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn nên cân nhắc việc viện trợ vũ khí sát thương (cho Ukraine) và thực hiện điều này thông qua NATO do mục đích cuối cùng của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin là làm NATO tan rã".
Tuy nhiên, hôm qua (3/3), một đại diện cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, Washington không được phép cung cấp vũ khí cho bất cứ nước nào, bao gồm cả Ukraine thông qua một nước thứ ba.
Theo quan chức trên, Ukraine là một quốc gia có chủ quyền có quyền ký kết điều ước với các nước khác. Ông này cũng nói thêm rằng chính phủ của các nước khác có thể cung cấp thêm chi tiết về các thỏa thuận thương mại mới.
Bình luận trên của ông được đưa ra sau chuyến thăm của đoàn ngoại giao Ukraine do Tổng thống Petro Oleksiyovych Poroshenko dẫn đầu đến triển lãm IDEX-2015 tổ chức tại Abu Dhabi.
Tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc có những thông tin rò rỉ trên các phương tiện truyền thông về việc cung cấp vũ khí cho Ukraina, đặc biệt là từ Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tuy nhiên, Ngoại trưởng UAE sau đó bác bỏ các cáo buộc chính phủ UAE có kế hoạch xuất khẩu vũ khí cho Ukraine.
Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Anatoliyovych Klimkin cho biết Kiev hy vọng sẽ nhận được nguồn cung cấp vũ khí không chỉ đến từ Mỹ, mà còn từ các nước khác.
Ý kiến bạn đọc