Mỹ phũ phàng với đồng minh thân nhất

15:24, 25/03/2015
|

(VnMedia) - Nhà Trắng hồi đầu tuần này đã bất ngờ tung ra một cảnh báo thẳng thừng và sắc lạnh với đồng minh thân thiết Israel rằng, họ phải chấm dứt việc chiếm đóng đất của người Palestine. 
 

Ảnh minh họa

Mâu thuẫn giữa hai đồng minh Mỹ và Israel ngày càng phơi bày rõ hơn.


Chánh Văn phòng Nhà Trắng - ông Denis McDonough đã không ngại ngần tuyên bố, "sự chiếm đóng kéo dài gần 50 năm qua cần phải chấm dứt".
 
Ông McDonough chỉ trích cam kết được đưa ra trước cuộc bầu cử vừa rồi của Thủ tướng Israel Netanyahu, trong đó ông này hứa sẽ ngăn chặn việc thành lập một nhà nước Palestine. Thành lập một nhà nước Palestine vốn là mục đích cuối cùng của những cuộc đàm phán hoà bình Trung Đông không kết quả kéo dài nhiều thập kỷ qua do Mỹ và phương Tây làm trung gian.
 
"Chúng tôi không thể đơn giản giả vờ rằng những lời cam kết, hứa hẹn đó đã không được đưa ra, hoặc rằng họ không đặt ra những câu hỏi về cam kết của Thủ tướng Israel trong việc đạt được hoà bình thông qua những cuộc đàm phán trực tiếp”, ông McDonough nói.
 
"Người Palestine phải có quyền sống ở đó và phải được tự quản lý trong quốc gia có chủ quyền của riêng họ”, Chánh Văn phòng Nhà Trắng nói thêm.
 
Ông McDonough là một trong những cố vấn thân cận hàng đầu của Tổng thống Barack Obama, và bài phát biểu của ông trước nhóm vận động hành lang tự do J Street ủng hộ Israel được theo dõi chặt chẽ ở thủ đô Washington.
 
Có thể nói, lời cảnh báo phũ phàng và cứng rắn đầy bất thường của Mỹ đã phản ánh một mối quan hệ rạn nứt sâu sắc trong quan hệ đồng minh thân thiết, gắn bó bao lâu nay trong quan hệ giữa Washington và Israel,
 
Lời hứa của Thủ tướng Netanyahu về việc ngăn chặn thành lập nhà nước Palestine đã khoét sâu thêm mâu thuẫn lâu nay với Tổng thống Obama. Tuy nhiên, vị cố vấn hàng đầu của ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, bất đồng hiện nay giữa Mỹ và Israel không liên quan gì đến “mâu thuẫn cá nhân".
 
"Cam kết của Mỹ về một giải pháp hai nhà nước là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nó là mục tiêu của cả Tổng thống của Đảng Cộng hoà hay Dân chủ và vẫn là mục tiêu của chúng tôi ngày nay”, ông McDonough tuyên bố.
 
Thủ tướng Netanyahu hôm 23/3 đã lên tiếng xin lỗi về những phát biểu được ông này đưa ra trong ngày bầu cử, theo đó nói rằng người Ả-rập bỏ phiếu “theo bầy đàn”. Đây là phát biểu cũng bị Mỹ chỉ trích.
 
Ông Netanyahu cũng tìm cách nói giảm nhẹ về tầm quan trọng của cảm kết của ông này trong việc phản đối giải pháp hai nhà nước, nhấn mạnh chính sách của Israel không thay đổi.
 
Quan hệ Mỹ-Israel tiếp tục “lao dốc không phanh”
 
Quan hệ giữa Mỹ và đồng minh thân thiết Israel tiếp tục “lao dốc” thảm hại sau khi có những nguồn tin cho biết Nhà nước Do Thái có thể đã tiết lộ những thông tin nhạy cảm cho những người của Đảng Cộng hoà về cuộc đàm phán của Mỹ với Iran – kẻ thù kỳ cựu của Israel. Chi tiết này chắc chắn sẽ phá hoại thêm nữa mối quan hệ Mỹ-Israel vốn được xem là đang ở mức thấp nhất giữa hai đồng minh.
 
Tờ Thời báo Phố Wall hôm 23/3 đưa tin Israel đã nghe lén những cuộc hội đàm kín và đã thu thập thông tin từ các mối quan hệ tiếp xúc ở Châu Âu liên quan đến những cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu về chương trình hạt nhân của Iran. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho tờ Thời báo Phố Wall biết, Israel đã để lộ thông tin cho những người của Đảng Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ để giúp họ phá hoại tiến trình đàm phán.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon hôm qua (24/3) đã thẳng thừng lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên. Ông Yaalon đã nói trên kênh 2 TV News rằng: “Không có chuyện người Israel do thám Mỹ. Dường như một ai đó đang thu lợi bằng cách khuấy lên cuộc xung đột hay đổ thêm dầu vào lửa cho mối quan hệ của chúng tôi".
 
Những cáo buộc về việc Israel do thám đồng minh Mỹ là mới nhất trong một loạt những vụ việc gây khó chịu trong quan hệ giữa hai nước này. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Israel cho rằng, vấn đề chính là Iran. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu bí mật đàm phán với Iran từ năm 2012 trong một nỗ lực nhằm áp đặt một sự giám sát chặt chẽ đối với chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tin rằng, những cuộc đàm phán đó là quá nhẹ nhàng với Iran và điều đó khiến Israel để ngỏ khả năng tấn công đối thủ.
 
Hồi đầu tháng 3, Thủ tướng Netanyahu đã chấp nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner để đến phát biểu trước Quốc hội Mỹ nhằm chống lại một thoả thuận với Iran. Cả ông Boehner lẫn ông Netanyahu đều không thông báo gì cho Tổng thống Obama về lời mời nói trên. Việc Thủ tướng Israel Netanyahu chấp nhận lời mời đã khiến Nhà Trắng nổi giận. Cả Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đều không đến nghe bài phát biểu của Thủ tướng Israel trong khi Quốc hội chật cứng các nghị sĩ của Mỹ lại cho ông Netanyahu 22 tràng vỗ tay.
 
Ngay sau khi ảnh hưởng của bài phát biểu trên bắt đầu lắng xuống, Thủ tướng Netanyahu đã quay ngoặt sang phe cánh hữu trong chiến dịch tái tranh cử hồi tuần trước. Ông này đã cam kết rằng, ông sẽ không bao giờ cho phép một nhà nước Palestine được thành lập. Khi người Israel bỏ phiếu ủng hộ ông Netanyahu tái đắc cử, Tổng thống Obama đã công khai thể hiện sự thất vọng.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc