Mỹ đưa quân đến Đông Âu, Nga "nổi đóa"

14:06, 27/03/2015
|

(VnMedia) - 4 máy bay tấn công A-10 Thunderbolt của Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận ở Ba Lan. Theo các chuyên gia quân sự, dự kiến, sẽ có khoảng 10.000 binh lính NATO tham gia các cuộc tập trận trong năm nay. 
 
Theo hãng tin RT của Nga, việc triển khai các máy bay A-10 nói trên là một phần trong kế hoạch tập trận “Giải pháp Đại Tây Dương” với mục tiêu tăng cường an ninh của các quốc gia thành viên NATO trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine và nguy cơ quân sự từ Nga, điều mà phương Tây và Mỹ luôn tuyên bố gần đây.

Ảnh minh họa

Người phát ngôn quân đội Ba Lan Artur Golawski cho biết 4 phi cơ chống tăng A-10 Thunderbolt II, được triển khai tạm thời tại căn cứ không quân Powidz, miền Tây Ba Lan, sẽ tham gia một số khoa mục huấn luyện kéo dài tới ngày 27/3.
 
Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai các đơn vị máy bay cường kích loại này tại gần biên giới Nga. Cùng với A-10, Mỹ còn triển khai thêm 2 máy bay vận tải C-130 và các đơn vị hậu cần kèm theo.

Máy bay A-10 có chức năng chính là cung cấp hỏa lực hỗ trợ mặt đất, nên việc triển khai dòng máy bay này tại Ba Lan chủ yếu là con bài chính trị để gây sức ép về phía Nga, khi Moscow gần đây liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận tại Crimea và Biển Đen.

A-10 Thunderbolt là loại máy bay đầu tiên được quân đội Mỹ thiết kế riêng cho nhiệm vụ yểm trợ cận chiến trên không và tấn công mặt đất. A-10 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/1972 và hiện không còn được sản xuất nhưng cho đến nay, nó vẫn được đánh giá là loại chiến đấu cơ đã cứu mạng nhiều lính Mỹ hơn bất cứ máy bay nào khác nhờ khả năng tấn công và yểm trợ hiệu quả. 
 
Thiết kế chính của máy bay A-10 xoay quanh khẩu pháo hàng không nhiều nòng 30mm với tốc độ bắn 4.200 viên/phút, mang nhiều loại đạn phù hợp để diệt bộ binh và xe thiết giáp đối phương. Tải trọng lớn, khả năng bay thấp, chậm trong thời gian dài cũng là một điểm mạnh của máy bay A-10. A-10 có khả năng mang 7,2 tấn vũ khí trên 11 giá treo, bao gồm 8 giá dưới 2 cánh và 3 giá dưới bụng. Ở các bản nâng cấp sau này, A-10 còn có thể mang các loại bom, tên lửa chính xác thông qua các đầu nối (pod) hỗ trợ chiến đấu treo ngoài. Không quân Mỹ hiện đang xem xét loại bỏ bớt máy bay chiến đấu loại này để nhường chỗ cho các đơn vị máy bay không người lái tấn công có chi phí hoạt động rẻ hơn.

Động thái trên của Mỹ đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Nga. Nga cho rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở các khu vực sát nách Nga về lâu về dài sẽ gây tác động tiêu cực.
 
Nga coi những hoạt động gần đây của NATO là bằng chứng ngày càng rõ ràng cho thấy NATO đang lợi dụng tình hình ở Ukraine để chống lại Nga, viện cớ cuộc xung đột ở Ukraine để tăng cường lực lượng tới Đông Âu.
 
Theo Bộ Ngoại giao Nga, hành động mới này của NATO sẽ làm suy yếu thêm nữa quan hệ với Nga và vi phạm những thỏa ước cơ bản của Nga và NATO. "Theo tính toán của chúng tôi, trong trường hợp của việc Mỹ triển khai lâu dài thiết giáp ở sườn phía đông của NATO sẽ là lý do vững chắc để chúng tôi tin rằng họ đang muốn chống lại Nga".
 
Ngoài ra, Nga còn tiếp tục cảnh báo và hy vọng châu Âu " không nghe theo những lời khuyên của các tướng lĩnh Mỹ và sẽ không lựa chọn cách tiếp cận đó để loại trừ các nguy cơ về một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO".
 
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga – ông Aleksandr Lukashevich cũng tuyên bố rằng, Nga có khả năng đối phó với mọi mối đe dọa hạt nhân.
 
Tại một buổi họp báo vắn, ông Lukashenvich cho biết: “Đã đến lúc Mỹ cần phải từ bỏ các động thái phá hoại đơn phương liên quan đến hệ thống lá chắn tên lửa”.
 
“Hoạt động quân sự của Mỹ gần biên giới với Nga cùng với kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự và phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở Đông Âu không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực mà còn dẫn đến những hậu quả tiêu cực về lâu về dài”, ông Lukashevich nhấn mạnh.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc