(VnMedia) - Sau khi xảy ra thảm kịch hàng không khi chiếc máy bay của hãng Germanwings bị cơ phó chiếm quyền và lao vào núi tự sát, các chuyên gia đã đặt ra câu hỏi phải chăng đã đến lúc áp dụng công nghệ “chống tự sát” cho các loại máy bay thương mại?
Công nghệ “chống tự sát” ra đời như thế nào?
Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 từng khiến nước Mỹ và cả thế giới chấn động khi một nhóm khủng bố chiếm quyền kiểm soát 4 chiếc máy bay Boeing và cho lao vào tòa tháp đôi trung tâm thương mại ở thủ đô New York, Bộ Quốc phòng Mỹ. Gần 3.000 người đã thiệt mạng sau vụ tấn công này.
Đã đến lúc các hãng hàng không áp dụng công nghệ "chống tự sát"? |
Ngay sau sự cố trên, an toàn hàng không đã được đặt lên hàng đầu tại Mỹ và các nước châu Âu. Các nhà sản xuất máy bay, trong đó tiên phong là Boeing và Airbus đã bắt đầu nghiên cứu và cuối cùng cho ra đời công nghệ chống không tặc hay tự sát. Tới năm 2006, Boeing chính thức được Mỹ cấp bằng sáng chế cho công nghệ tân tiến được biết đến với cái tên “Hệ thống tự động lái không thể can thiệp”.
Hệ thống này cho phép các phi công, nhân viên kiểm soát mặt đất hay các cơ quan an ninh như Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) có thể kích hoạt chế độ lái an toàn khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường của một hay nhiều chuyến bay. Điều đặc biệt là một khi chế độ này được kích hoạt, không có bất cứ ai ở buồng lái có thể can thiệp hay tắt đi.
Nhờ được trang bị hệ thống cảm ứng điều áp được gắn trên cửa, bất cứ hành động nào cố tình phá cửa để thâm nhập vào buồng lái sẽ kích hoạt hệ thống này. Ngay sau đó, trung tâm kiểm soát mặt đất sẽ gửi lộ trình bay cho hệ thống này để nó có thể tự động tìm kiếm một sân bay gần nhất để hạ cánh an toàn.
Nhìn chung đây được đánh giá là hệ thống an toàn rất toàn diện và Boeing khẳng định thiết bị này phù hợp với mọi loại máy bay thương mại và sẽ được sử dụng phổ biến kể từ năm 2010. Thế nhưng công nghệ hiện đại này không thể đi vào thực tế do vấp phải sự phản đối từ chính các phi công và các hãng hàng không. Ngay cả giới chuyên gia cũng hoài nghi về tính an toàn khi giao sinh mạng cả trăm người cho công nghệ không người lái.
Năm 2013 hãng hàng không Jetstream đã thử nghiệm công nghệ này trên chiếc máy bay thương mại chở theo 16 hành khách. Phi công chỉ can thiệp khi máy bay cất, hạ cánh còn lại trong toàn bộ hành trình dài khoảng 800km trong nội địa nước Anh, chiếc máy bay hoàn toàn do trung tâm kiểm soát mặt đất điều khiển.
Dù thành công vang dội nhưng cơ quan hàng không dân dụng Anh (CAA) vẫn tỏ ra lo ngại về công nghệ này. CAA khẳng định, không một hệ thống điều khiển từ xa nào có thể xử lý và tạo ra an toàn tuyệt đối cho máy bay. “Chúng tôi ghi nhận những sáng chế công nghệ không người lái cho máy bay nhưng nó không phù hợp với thực tế”, người phát ngôn của CAA tuyên bố.
Trong khi đó, hiệp hội phi công BALPA lại lo ngại việc áp dụng công nghệ máy bay không người lái hay điều khiển từ xa các chuyến bay sẽ tạo điều kiện cho các nhóm hacker tấn công và chiếm quyền kiểm soát từ xa.
Chuyên gia an toàn hàng không Chris Yates thì thẳng thừng cho rằng, việc trao quyền điều khiển máy bay cho bộ phận kiểm soát mặt đất thậm chí còn đem lại nhiều nguy hiểm hơn cho hành khách khi họ không thể có tầm quan sát tốt như những phi công để có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất. Chính vì vậy, các chuyến bay chỉ có độ an toàn cao khi do con người trực tiếp điều khiển.
Tuy nhiên, với việc tổ bay có ý định tự sát liên tục xảy ra trong những năm gần đây, điển hình là vụ tai nạn của hãng hàng không Mozambique năm 2013 và mới đây nhất là tai nạn thương tâm của hãng hàng không Đức – Germanwings, có lẽ đã đến lúc các hãng hàng không cần nghiêm túc xem lại đề xuất ứng dụng công nghệ mới của hãng Boeing.
Bắt buộc phải có 2 phi công trong buồng lái
Theo kết luận mới nhất về vụ tai nạn tại miền nam nước Pháp, cơ phó Guenter Lubitz chính là người đã cố tình khóa cửa khi cơ trưởng Patrick Sonderheimer rời buồng lái. Tên này này đột ngột hạ độ cao của chiếc A320 và cho máy bay lao thẳng vào dãy núi Alps, miền nam nước Pháp khiến toàn bộ 150 người trên máy bay thiệt mạng.
|
|
Ngay sau vụ việc này, một loạt hãng hàng không như Air Shuttle (Na Uy), EasyJet (Anh), Air Canada và Air Berlin (Đức) đã đưa ra quy định mới, bắt buộc cả 2 phi công phải luôn có mặt trong buồng lái trong suốt chuyến bay. Động là động thái có tính tạm thời để ngăn cản những vụ tự sát tương tự.
Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra quy định buộc phải có đủ 2 phi công trong buồng lái sau sự kiện 11/9.
Liên quan tới vụ rơi máy bay của hãng Germanwings, giới chức an ninh Đức đã cho bố ráp căn nhà của cơ phó Lubitz - thủ phạm gây ra vụ tai nạn - ở phía bắc thành phố Frankfurt và tạm giữ máy tính, laptop, tài liệu cá nhân của tên này.
Từ đó, họ phát hiện ra Lubitz gặp bất ổn về tâm lý sau khi chia tay bạn gái. Bản thân tên này từng bị trầm cảm nặng và phải nghỉ giữa chừng khóa đào tạo phi công năm 2008.
Phát biểu sau vụ tai nạn, giám đốc điều hành hãng Lufthansa – ông Carsten Spohr khẳng định, bản thân hãng cũng không thể hiểu nổi động cơ của cơ phó Lubitz. “Chúng tôi tuyển chọn đội ngũ phi công vô cùng nghiêm ngặt và cẩn trọng. Luibitz hoàn toàn bình thường”.
Tuy nhiên, sau đó ông Spohr thừa nhận, các phi công luôn được kiểm tra sức khỏe đều đặn nhưng các bài kiểm tra về tâm lý lại bị bỏ qua! Vị giám đốc này cũng cho biết, hãng ghi nhận việc Lubitz từng gián đoạn khóa đào tạo phi công cách đây 6 năm. “Chúng tôi đã cẩn thận kiểm tra kỹ lưỡng trình độ cũng như tâm lý của Lubitz khi cậu ấy có nguyện vọng làm việc cho Germanwings. Khi đó cậu ấy hoàn toàn ổn và đạt 100% yêu cầu!”, ông Spohr quả quyết.
Ý kiến bạn đọc